GS James Kraska, chuyên gia cao cấp về luật và chính sách biển tại Trung tâm Nghiên cứu luật quốc tế Stockton, ĐH Hải chiến Mỹ, đề xuất giải pháp để các quốc gia ở biển Đông chống lại động thái gây hấn, phạm pháp của Trung Quốc (TQ).
Tòa trọng tài có sức ảnh hưởng TQ?
. Phóng viên: Việt Nam và nhiều chính trị gia, chuyên gia quốc tế đã lên tiếng khẳng định việc TQ cử tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 đến gần bãi Tư Chính - Vũng Mây là vi phạm luật quốc tế. Ông có thể chỉ ra rõ Bắc Kinh vi phạm điều khoản nào?
+ GS James Kraska: Tàu TQ đã có hành vi không tuân thủ luật pháp quốc tế, được nêu rõ trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) ký năm 1982. Theo đó, Điều 56 UNCLOS quy định quốc gia ven biển có đặc quyền trong việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật... cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác kinh tế tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Tàu TQ đã thăm dò trái phép khí đốt dưới đáy biển nằm trong vùng biển mà Việt Nam có quyền tài phán.
. Tòa trọng tài năm 2016 đã ra phán quyết bác bỏ đường chín đoạn nhưng TQ vẫn tiếp tục sai phạm. Phải chăng phán quyết của tòa không thể điều chỉnh Bắc Kinh?
+ Phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016, cũng như bất kể phán quyết trong luật pháp quốc tế, có một số tác dụng trong việc tập trung vào các cuộc tranh luận và xác định các hành vi phạm pháp. Tuy nhiên, các phiên tòa quốc tế hiếm khi có khả năng ép buộc các quốc gia sửa chữa những hành vi sai trái của họ. Vì vậy, ảnh hưởng của phán quyết chủ yếu tập trung ở chỗ khiến uy tín TQ bị suy yếu, đồng thời làm sáng tỏ ý đồ thật sự của nước này đối với cộng đồng quốc tế.
Các nước ở biển Đông nên làm gì?
. Vậy một quốc gia thắng kiện như Philippines phải chăng cũng không thể làm gì hơn trong việc chống lại các hành vi hung hăng của TQ?
+ Trong khi chính quyền Rodrigo Duterte vẫn đang bất lực trong việc tận dụng phán quyết của tòa 2016 thì sự chênh lệch về quyền lực giữa TQ và Philippines, cả về mặt kinh tế lẫn quân sự, vẫn rất lớn. Philippines đã làm tốt việc kiện và thắng kiện TQ và theo tôi, Philippines nên tiếp tục quyết tâm buộc TQ phải tuân thủ phán quyết của tòa.
Một cuộc đụng độ giữa tàu cảnh sát biển TQ và tàu cá Philippines gần bãi cạn Scarborough năm 2015. Ảnh: AP
Tuy nhiên, thay vì làm như vậy, tổng thống Philippines dường như đã chấp nhận thực tế sức mạnh của TQ tại vùng biển mà lẽ ra thuộc quyền tài phán của Philippines. Và vì vậy, vị thế ngoại giao và pháp lý của Philippines bị suy yếu trong một thời gian dài. Theo tôi, cho dù Philippines không thể ép TQ tuân theo phán quyết của tòa bằng cách liên tục nhắc lại phán quyết và cương quyết yêu cầu TQ tuân thủ thì những hành động như vậy của Manila cũng có thể bảo vệ tốt vị thế lâu dài của nước này, đồng thời thu hút sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong việc chống lại TQ.
. Các quốc gia ở biển Đông như Philippines phải chăng cần một giải pháp hiệu quả hơn, đồng bộ hơn để cân bằng lực lượng trước TQ?
+ Cho đến hiện nay, tôi thấy các quốc gia bị TQ gây hấn vẫn chưa thể liên kết với nhau và tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài (tức các nước thứ ba - PV) nhằm đối trọng TQ. Bắc Kinh dường như đang có ưu thế trong việc sử dụng việc đe dọa quân sự, ép buộc và dùng vũ khí kinh tế để ngăn các nước ở biển Đông cùng nhau chống lại mình.
Như vậy, làm sao để các quốc gia ở biển Đông có thể bắt tay nhau? Tôi cho rằng họ cần bắt đầu gặp nhau để dàn xếp gạt bỏ tất cả bất đồng nội bộ về các vấn đề trên biển, đồng thời tập trung vào các mối đe dọa và thách thức mà họ có thể gặp phải khi đối mặt với TQ. Các nước cũng nên so sánh, trao đổi thông tin và tình báo về phương pháp TQ lạm dụng các đội tàu cá và lực lượng dân quân biển, lực lượng cảnh sát biển và lực lượng hải quân để đạt được mục tiêu của mình ở biển Đông.
Cần có các lực lượng chấp pháp tại khu vực biển Đông mạnh hơn và sự tham gia sâu rộng hơn của các cường quốc bên ngoài để duy trì sự cân bằng trong bối cảnh cán cân lực lượng giữa TQ và các quốc gia ở biển Đông còn rất lớn. GS JAMES KRASKA |
Các cuộc họp giữa các nước biển Đông nên tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp hiệu quả chống lại sự đe dọa của TQ; suy nghĩ về một chiến lược kết hợp giữa mặt trận chính trị lẫn pháp lý; đồng thời tìm kiếm cách thức kêu gọi các cường quốc bên ngoài tiến vào khu vực biển Đông, ví dụ các chuyến thăm hải cảng và các chương trình tập trận kết hợp Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Anh và Úc.
. Giải pháp này đã từng có tiền lệ chưa, thưa ông?
+ Câu trả lời là có. Tiền lệ tương tự có thể kể đến là liên minh hàng hải giữa Mỹ và Vương quốc Anh, cùng hoạt động ở khu vực các quốc gia vùng vịnh nhằm đối trọng Iran ở eo biển Hormuz. Tuy nhiên, nếu chọn hình thức hợp tác theo phương thức này thì các nước Đông Nam Á phải chấp nhận đối diện sự gia tăng áp lực từ sự không hài lòng của TQ, vốn có thể tạo ra những rủi ro về ngoại giao, kinh tế và thậm chí có thể là quân sự.
. Thực tế các nước Đông Nam Á và TQ đang thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở biển Đông. Liệu đây có phải là cách tiếp cận hiệu quả?
+ Tôi nghĩ cách duy nhất để giải quyết chính là buộc TQ phải trả giá đắt cho những hành vi phạm pháp họ gây ra, từ đó thay đổi sự quyết đoán trong quyết định của nước này. TQ xem COC là một chiến thuật câu giờ - vốn đã đàm phán 17 năm mà chưa có kết quả. Trong thời gian đó, TQ đã củng cố vị thế và sức mạnh của họ.
Chống lại chiêu bài “va chạm” trên biển của TQ . Lực lượng dân quân biển TQ được cho là thường xuyên đe dọa, tiến hành các hoạt động va đâm trên biển đối với tàu cá các nước. Các nước nên làm gì trước thực trạng này? + Các nước bị tổn hại nên khiếu nại lên Tổ chức Hàng hải Quốc tế (gọi tắt là IMO, một cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại London, Anh, có chức năng tập trung vào an toàn, an ninh và tác động môi trường của hàng hải quốc tế - PV), yêu cầu các cuộc điều tra chung dựa theo quy định UNCLOS. Từ đó họ có thể lên tiếng cáo buộc TQ vi phạm các quy định về việc va chạm tàu trên biển. |