Trong khi đó, Trung Quốc nhiều lần lên tiếng khẳng định không tuân theo phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 dù nước này là thành viên UNCLOS.
Trước hành động của Trung Quốc (TQ), hôm 29-8 Bộ Ngoại giao Anh phát đi tuyên bố chung Anh, Pháp và Đức, khẳng định sự quan ngại về tình hình căng thẳng ở biển Đông. Theo đó, cả ba nước lo rằng tình thế hiện nay có thể dẫn tới “mất an ninh và ổn định trong khu vực”. Trước đó một ngày, người phát ngôn ngoại giao EU khẳng định: “Các hành động đơn phương trong những tuần qua tại biển Đông đã dẫn tới những căng thẳng gia tăng và sự suy thoái môi trường an ninh hàng hải”.
Trước EU, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono hôm 27-8 cho biết “cộng đồng quốc tế trong đó có Nhật Bản quan tâm sâu sắc tới tình hình trên biển Đông. Nhật Bản phản đối bất cứ hành động của nước nào làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông”.
Hôm 26-8, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng ra thông cáo “TQ leo thang áp bức nhằm vào hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam ở biển Đông”. Bộ Quốc phòng Mỹ cực kỳ quan ngại trước các nỗ lực liên tục của TQ khi vi phạm trật tự quốc tế thượng tôn pháp luật ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Gần đây, TQ còn tái diễn sự can thiệp mang tính áp bức nhằm vào các hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam ở biển Đông.
Trước đó (ngày 23-8), Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định việc TQ tái triển khai nhóm tàu Địa chất hải dương 8 vào vùng biển Việt Nam là sự leo thang của Bắc Kinh nhằm đe dọa các bên từ bỏ nguồn tài nguyên ở biển Đông. Hành động của TQ làm suy yếu hòa bình, an ninh khu vực; chứng minh TQ coi thường quyền của các quốc gia thực hiện hoạt động kinh tế trong EEZ của họ.
Như vậy, hành xử của TQ ngoài việc gặp phải phản ứng quyết liệt từ Việt Nam còn bị ASEAN và các quốc gia bên ngoài, đặc biệt là Mỹ chỉ trích mạnh. Điều đó cho thấy cộng đồng quốc tế nhận thức được rủi ro từ các hành vi ngang ngược đầy nguy hiểm của Bắc Kinh, vốn nhằm vào việc chiếm cứ vùng biển và tài nguyên nằm bên trong đường chín đoạn phi pháp. Giai đoạn hiện nay chứng kiến sự vận động mạnh mẽ không chỉ ở mặt trận ngoại giao mà còn ở các mặt trận an ninh, kinh tế giữa các nước có chung mối quan ngại là TQ.
Dù muốn hay không, TQ chắc chắn sẽ vấp phải ngày càng nhiều những khó khăn. Đặc biệt là khi các quốc gia khu vực cùng Mỹ và hệ thống đồng minh, đối tác đã nhận ra cần một chiến lược quốc tế tổng thể, gồm nhiều nước và nhiều mặt trận, để “ghè chân” TQ.