Với giá bán lẻ điện sinh hoạt ở năm mức bậc thang theo đề xuất mới đây của Bộ Công Thương, nhiều người dân thắc mắc những trường hợp nào sẽ bị ảnh hưởng.
Xây dựng nhiều phương án
Trước khi đề xuất phương án giá bán lẻ điện sinh hoạt theo năm mức bậc thang, Bộ Công Thương đã xây dựng bốn phương án: Phương án 1 (gồm một bậc), phương án 2 (gồm ba bậc), phương án 3 (gồm bốn bậc) và phương án 4 (gồm năm bậc).
Sau khi phân tích dự thảo của các phương án 1, 2, 3, Bộ Công Thương nhận thấy nếu áp dụng một trong ba phương án này thì sẽ vướng một số bất cập. Theo đó, Bộ Công Thương xây dựng hai kịch bản theo phương án 4, gồm năm bậc thang:
Cụ thể, kịch bản 1: Bậc 1 (0-100 kWh - gộp bậc 1 và 2 của mức hiện hành), giữ như mức giá bậc 1 hiện hành; bậc 2: 101-200 kWh; bậc 3: 201-400 kWh; bậc 4: 401-700 kWh; bậc 5: 701 kWh trở lên. Kịch bản này đơn giản, người dân dễ hiểu do giảm từ sáu bậc như cơ cấu biểu giá điện hiện nay xuống còn năm bậc. Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội không thay đổi so với hiện hành.
Tuy nhiên, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 701 kWh/tháng trở lên (khoảng 0,5 triệu hộ, chiếm 1,8% tống số hộ) phải trả tăng thêm 29.000 đồng/hộ/tháng.
Kịch bản 2: Gộp bậc 1 và bậc 2 với giá điện giữ nguyên theo bậc 1 hiện hữu. Phần doanh thu thiếu được bù vào bậc trên 700 kWh; giá điện của bậc 3 là 201-400 kWh được gộp theo giá bình quân của bậc 4 và bậc 5 của giá điện cũ.
Kịch bản 2 này sẽ khiến tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện 200-300 kWh/tháng và từ 701 kWh/tháng trở lên phải trả tăng thêm khoảng 6.000-14.000 đồng/hộ/tháng. Tuy nhiên, mức tăng giá giữa các bậc là không đồng đều.
Từ đó, Bộ Công Thương đề xuất chọn kịch bản 1 của phương án năm bậc thang do có mức tăng giá điện giữa các bậc ở mức hợp lý; đảm bảo toàn bộ số hộ có mức sử dụng điện dưới 700 kWh (chiếm 98,2% tông số hộ) có mức tiền điện không tăng hoặc giảm khi áp dụng biểu giá điện mới.
Biểu đồ so sánh giá bán lẻ điện hiện nay (sáu bậc) và mức đề xuất năm bậc thang của Bộ Công Thương. Đồ họa: HỒ TRANG
Không bị ảnh hưởng
GS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho biết giá điện trung bình do Thủ tướng Chính phủ quy định thì không đổi. Chỉ có người tiêu dùng ít điện thì được hưởng giá điện thấp hơn giá trung bình và ngược lại.
Việc điều chuyển từ sáu bậc thành năm bậc, thực chất là hai bậc đầu tiên (0-50 kWh và 51-100 kWh) của sáu bậc thang được gộp lại cho bậc đầu tiên của khung bậc thang mới (0-100 kWh). Sở dĩ có việc điều chỉnh này là do số lượng người sử dụng chỉ 50 kWh là rất ít nên chúng ta lấy khởi điểm bậc 1 là 100 kWh là hợp lý. Hơn nữa, việc điều chỉnh thành khung năm bậc là có sự hợp lý, cân đối và đảm bảo an sinh xã hội.
Đối với ngành điện, dù có mấy bậc thì ngành điện cũng không lợi gì, không phải ngành điện tự ý đưa ra nhiều bậc hay ít bậc mà cách chia này sẽ hỗ trợ người dùng.
Cũng theo ông Đình Long, lượng khách hàng sử dụng trên 700 kWh là khá ít vì vậy việc chia bậc thang như hiện nay cũng là một biện pháp để hạn chế sử dụng điện. Bởi hiện nay nguồn tài nguyên sản xuất ra điện đã cạn kiệt.
“Do đó, năm bậc hay sáu bậc thì người dùng cũng không bị ảnh hưởng gì nhiều và khách hàng sử dụng điện nhiều cần phải tiết kiệm hơn. Tuy nhiên, cần phải cải tiến biểu giá bởi hiện nay nếu mức độ chênh lệch của bậc cao nhất chưa đủ mạnh để người sử dụng cảm nhận được giá trị của việc dùng nhiều điện và giải pháp để tiết kiệm điện” - ông Long cho biết.
Tương tự, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính, cho biết vấn đề năm bậc hay sáu bậc thì không phải vấn đề người dân sẽ hưởng lợi hay không mà Chính phủ quy định mức giá bình quân thì năm bậc đó đã phản ánh đúng giá điện bình quân không. Năm bậc này có giúp người dân tiết kiệm điện không và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội chưa.
Theo ông Trí Long, xã hội còn phân hóa người giàu, người nghèo nên cần có chính sách an sinh để hỗ trợ người nghèo. Tuy nhiên, biểu giá điện bậc thang đó đã phản ánh đúng giá điện bình quân mà Chính phủ quy định hay chưa.
“Theo tôi, biểu giá điện bậc thang cần chia thành nhiều bậc hơn nữa, nếu đánh giá càng nhiều bậc thì phản ánh độ chính xác càng lớn. Ở các nước đang chia trung bình từ ba đến tám bậc, hiện ở Việt Nam đang ở sáu bậc thì nên giữ nguyên số bậc này” - ông Long phân tích.
Ông Long cho rằng để đưa ra một biểu giá điện bậc thang thì cần có một cơ quan tư vấn độc lập có chuyên ngành để nghiên cứu. Từ đó, xây dựng ra một biểu giá điện bậc thang hợp lý nhất vừa khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm điện, vừa đảm bảo tính chất an sinh xã hội.
Cũng theo ông Trí Long, nguồn năng lượng điện không thể tái tạo được, trong khi nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng. Do đó, người sử dụng càng nhiều thì phải trả càng nhiều là đúng. Vì vậy người sử dụng trên 700 kWh phải trả tiền điện nhiều hơn là hợp lý.
Theo Bộ Công Thương, điện năng là một loại hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời, người dùng sử dụng trước và trả tiền sau. Hiện nay, nguồn điện năng được sản xuất từ hóa thạch, không tái tạo được như than đá, dầu mỏ… trong khi các nguồn năng lượng tái tạo chưa phát triển mạnh. Vì vậy, nhằm khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã áp dụng giá điện theo bậc để phù hợp với mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân. Trong đó, giá điện của các bậc tăng dần (sử dụng càng nhiều sẽ phải áp dụng giá điện cao hơn). Số liệu thu thập giá điện sinh hoạt ở các nước Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan cho thấy tỉ lệ giá điện sinh hoạt ở bậc cao nhất so với bậc thấp nhất khoảng 1,65-3 lần. Bộ này cho rằng việc thiết kế giá điện sinh hoạt theo các bậc vẫn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, Bộ Công Thương kiến nghị vẫn tiếp tục áp dụng giá bán lẻ điện theo các bậc với giá điện tăng dần, cải tiến về khoảng cách giữa các bậc và giá điện cho từng bậc để phù hợp với thực tiễn sử dụng điện của người dân. |