Ngày 19-7, ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 82 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Xây dựng đề án phát triển kinh tế đêm
Theo đó, Bình Thuận triển khai đồng bộ và quyết tâm thực hiện có hiệu quả để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cụ thể, ngành du lịch Bình Thuận sẽ phát triển với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”...
Bình Thuận hiện đang là điểm rất đông du khách trong và ngoài nước lựa chọn. |
UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT thực hiện tốt cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược, phát triển các tổ hợp vui chơi, nghỉ dưỡng, trung tâm du lịch quốc tế và các ngành dịch vụ hỗ trợ du lịch như hàng không, cơ sở lưu trú, trung tâm thương mại, dịch vụ bán lẻ để thúc đẩy chi tiêu của du khách.
Học sinh, sinh viên tham gia làm sạch bờ biển Phan Thiết. |
Đồng thời xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án Phát triển kinh tế đêm của tỉnh đến năm 2030. Phấn đấu trong giai đoạn đầu phải có ít nhất một khu vực kiểu mẫu đi vào hoạt động sau khi Đề án được phê duyệt.
Sở VHTT&DL sẽ triển khai các nội dung Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Sở TN&MT chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên quan và UBND cấp huyện kiểm tra việc sử dụng đất của các dự án du lịch khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp quy hoạch một số khu vực phù hợp để xây dựng công viên, quảng trường, bãi tắm,… phục vụ cộng đồng dân cư và khách du lịch.
Phối cảnh Làng chài Mũi Né đang được rất nhiều du khách kỳ vọng. |
Sở Y tế tăng cường phổ biến tuyên truyền, hướng dẫn các quy định về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.
Công an tỉnh triển khai, thực hiện có hiệu quả Đề án đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch. Hướng dẫn, phối hợp các đơn vị, doanh nghiệp du lịch xây dựng môi trường thân thiện, ứng xử văn minh đối với du khách.
Nâng cấp các tuyến đường du lịch ven biển
Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, TP được giao đảm bảo tốt môi trường du lịch. Xử lý, chấn chỉnh kịp thời các vấn đề về môi trường tự nhiên, môi trường xã hội ở các khu, điểm du lịch. Giải quyết, xử lý có hiệu quả vấn đề buôn bán nhếch nhác, lấn chiếm bãi biển, hàng rong chèo kéo du khách, ca nô nước,… gây mất mỹ quan, thiếu văn minh, lịch sự ở các khu du lịch cộng đồng.
Tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn tại các bãi tắm công cộng. Các hoạt động vui chơi giải trí trên đồi cát phải đảm bảo an toàn cho du khách.
Tăng cường lắp đặt các biển báo giữ gìn vệ sinh môi trường, cấm xả rác ở các khu vực công cộng. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện vệ sinh môi trường tại các khu vực địa bàn dân cư, khu vực công cộng và có những biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.
Sở GTVT thường xuyên kiểm tra, rà soát và chú ý nâng cấp các tuyến đường du lịch ven biển trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra các bến xe, bến tàu không để xảy ra tình trạng ùn ứ khách, nhất là trong các dịp lễ, tết.
Nhờ tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thông xe, khách du lịch đến Bình Thuận tăng vọt. |
UBND các huyện, thị xã, TP đầu tư, nâng cấp, mở rộng các đường nhánh xuống biển. Đầu tư hệ thống cấp thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, chất thải tập trung. Hoàn thiện các điểm đỗ xe du lịch, ưu tiên tại các khu vực trọng điểm du lịch đặc biệt là khu du lịch quốc gia Mũi Né...
“Tăng cường tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội gắn với phát triển du lịch để xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi, “làm hài lòng du khách, ấm lòng chủ nhà”- Kế hoạch nêu rõ.