Bộ Chính trị yêu cầu sớm hoàn thiện tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông

(PLO)- Bộ Chính trị yêu cầu thời gian tới cần ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, các trục cao tốc Đông-Tây và các tuyến giao thông kết nối đa phương thức theo quy hoạch...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã ký ban hành Kết luận 72 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 13/2012 của Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Kết luận nêu rõ: Sau 10 năm thực hiện, Nghị quyết 13 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đáng chú ý, nhiều chương trình, dự án, công trình được đưa vào khai thác, vận hành, phát huy hiệu quả, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng, thủy lợi, đô thị, thông tin và truyền thông. Việc phát triển hạ tầng giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao được chú trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

khanh-hoa-mo-rong-quoc-lo-26b-ket-noi-giao-thong-tao-lien-ket-vung.jpg
Theo Bộ Chính trị, việc đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế sẽ giúp kinh tế - xã hội phát triển hơn. Ảnh: PLO

Nghiên cứu thí điểm mô hình đầu tư công-quản trị tư

Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 13 gắn với các nghị quyết, kết luận của trung ương khóa XIII cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển của giai đoạn mới, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp.

Cụ thể, tiếp tục phát huy hệ thống kết cấu hạ tầng đã xây dựng, tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng, khu vực, thu hẹp khoảng cách vùng, miền; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên đất, nước, rừng và các tài nguyên khác.

Phấn đấu đến năm 2030, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng tương xứng với nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, quy mô lớn, kết nối với khu vực và thế giới. Định hướng đến năm 2045, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại gắn với nước phát triển, thu nhập cao; kết nối và hội nhập với phát triển của thế giới.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu khẩn trương rà soát, sửa đổi, ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng gắn với mục tiêu xây dựng công nghiệp hiện đại đến năm 2030, nhất là chính sách, pháp luật về đầu tư công, quy hoạch, đối tác công-tư, ngân sách nhà nước, phát triển hạ tầng số, kinh tế số, xã hội số...

Nghiên cứu tổ chức thí điểm mô hình đầu tư công-quản trị tư, đầu tư tư-sử dụng công; hoàn thiện mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD); xây dựng cơ chế tài chính đặc thù đối với các công trình hạ tầng văn hóa, xã hội. Xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để hình thành một số tập đoàn kinh tế lớn hàng đầu, có đủ nguồn lực, năng lực quản trị hiện đại, tiếp cận, chuyển giao và làm chủ được công nghệ tiên tiến trong đầu tư, xây dựng những công trình hạ tầng lớn, có ý nghĩa quan trọng, chiến lược đối với phát triển đất nước.

Một giải pháp khác được Bộ Chính trị đề ra là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phân cấp, phân quyền gắn với năng lực tổ chức thực hiện và đề cao trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, người đứng đầu ở địa phương, rút ngắn quy trình ra quyết định, tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện đầu tư.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo sự liên thông giữa các thủ tục đầu tư với các thủ tục về đất đai, xây dựng, đấu thầu, môi trường; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế ngoài nhà nước tham gia; phân cấp đầu tư và giao trách nhiệm cho người đứng đầu trong quyết định đầu tư.

Bộ Chính trị yêu cầu ưu tiên sớm hoàn thiện tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông
Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, tàu điện ngầm có quy mô vận tải lớn tại Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố lớn khác.

Tập trung đầu tư các tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội, TP.HCM…

Xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn có trọng tâm, trọng điểm, gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương với địa phương và giữa các địa phương với nhau trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu về kinh tế-xã hội, tài nguyên và môi trường của vùng, địa phương bảo đảm thống nhất và kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

Hoàn thiện cơ chế điều phối, nâng cao chất lượng, thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, huy động và sử dụng nguồn lực đất đai; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, thi công các công trình, dự án. Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách rút ngắn quy trình bồi thường, giải phóng mặt bằng; tách dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư ra khỏi dự án đầu tư theo quy hoạch.

Cùng với đó là tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Phát triển hạ tầng năng lượng, nhất là bảo đảm cung cấp đủ, ổn định cho phát triển kinh tế-xã hội và an ninh năng lượng. Phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, nhất là các đô thị lớn…

Đặc biệt, Bộ Chính trị yêu cầu ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, các trục cao tốc Đông-Tây và các tuyến giao thông kết nối đa phương thức theo quy hoạch; các sân bay quốc tế; hạ tầng các cảng biển lớn, các tuyến đường thuỷ nội địa có nhu cầu vận tải lớn; Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, các tuyến Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Lạng Sơn-Hà Nội, Móng Cái (Quảng Ninh)-Hải Phòng, TP.HCM-Cần Thơ, Biên Hòa-Vũng Tàu, Thủ Thiêm-Long Thành...

Tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, tàu điện ngầm có quy mô vận tải lớn tại Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố lớn khác.

Tập trung xây dựng hạ tầng số với công nghệ tiên tiến, hiện đại; phát triển đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia, các cơ sở dữ liệu lớn, trung tâm dữ liệu lớn; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.

“Ban cán sự đảng Chính phủ nghiên cứu xây dựng đề án trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV xem xét ban hành Nghị quyết mới về phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng” – Kết luận của Bộ Chính trị yêu cầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm