Bộ GTVT không đồng ý mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 8 làn xe

(PLO)-  Bộ GTVT nhận thấy việc VEC đề xuất phương án đầu tư dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây do ngân sách nhà nước đóng góp 44,4% tổng mức đầu tư là không khả thi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau khi nghiên cứu đề xuất của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) về việc mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn vừa có văn bản khẳng định không đồng tình phương án đầu tư dự án từ 4 làn xe lên 8 làn xe.

Theo Bộ GTVT, việc VEC đề xuất đầu tư dự án với quy mô 8 làn xe (đoạn từ nút giao Vành đai 3 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) là chưa phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị VEC nghiên cứu thực hiện dự án theo thông báo số 278/2022 về kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp nghe báo cáo về các tuyến giao thông kết nối với sân bay Long Thành và phương án tổ chức giao thông của các nút giao trong khu vực. Riêng cầu Long Thành, Bộ GTVT đề nghị VEC nghiên cứu phương án xây dựng cầu mới với quy mô tương tự giai đoạn 1 và tổ chức phân làn giao thông cho phù hợp.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: V.LONG

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: V.LONG

Về phương thức đầu tư, Bộ GTVT cho rằng để có cơ sở tổng hợp, báo cáo Thủ tướng ngoài hai phương thức đầu tư do VEC thực hiện như đề xuất, đề nghị VEC bổ sung phương án đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đầu tư theo phương thức nhượng quyền để so sánh ưu nhược điểm của năm phương án.

“Về việc VEC đề xuất phương án đầu tư do ngân sách nhà nước đóng góp 44,4% tổng mức đầu tư. Bộ GTVT nhận thấy phương án này không khả thi do hiện nay, Bộ GTVT không còn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để bố trí cho dự án như đề xuất. Do đó, đề nghị VEC cập nhật thông tin để đề xuất phương án có tính khả thi…”- Bộ GTVT ý kiến.

Cuối tháng 8-2022, Bộ GTVT chỉ đạo VEC nghiên cứu đầu tư dự án trên với quy mô 10 làn xe. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu VEC đề xuất chỉ nên mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ 4 làn xe lên 8 làn xe, với chiều dài gần 22km, tổng mức đầu tư dự kiến chỉ 13.882 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong quá trình xây dựng).

VEC cho rằng phương án trên nếu đưa vào khai thác giai đoạn 2025 - 2026 thì khai thác ổn định đến năm 2035 - 2040. Giai đoạn 2035 - 2040, đường cao tốc sẽ được kiến nghị mở rộng lên 10 làn theo quy hoạch.

Cạnh đó, VEC cho hay với phương án mở rộng đoạn tuyến lên 10 làn xe sẽ tăng mức đầu tư lên 15.428 tỉ đồng, phát sinh thêm 1.545 tỉ đồng so với phương án 8 làn xe. Phương án này cũng không hiệu quả đầu tư cao do nhu cầu sử dụng 10 làn xe trong giai đoạn đầu hạn chế.

Về nguồn vốn để thực hiện mở rộng đường cao tốc, VEC đề xuất ngân sách Nhà nước chiếm 44,4%, còn lại vốn do VEC huy động. Trường hợp ngân sách khó khăn, cơ quan có thẩm quyền giao VEC thực hiện theo phương án tự huy động vốn 100%. Với phương án này, VEC kiến nghị các cơ chế, trong đó tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp

Dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có chiều dài 55,7km với bốn làn xe được đưa vào khai thác năm 2016, với tổng mức đầu tư 20.600 tỉ đồng. VEC được quyền thu phí hoàn trả các khoản vay, bao gồm một phần vốn vay ODA trong thời gian 20 năm (thời điểm hiện tại còn 15 năm). Thời gian qua lượng xe liên tục tăng cao, trung bình tăng hơn 10,45% mỗi năm.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

(PLO)- Giá vé máy bay tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại tour, trong khi không ít người dân quyết định không đi du lịch hoặc thay đổi hình thức di chuyển.

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.