Bộ trưởng Lê Minh Hoan họp khẩn sau phản ánh rau VietGAP “rởm” biến hình vào siêu thị

(PLO)-  Liên quan đến phản ánh rau không rõ nguồn gốc ở chợ “biến hình” thành rau VietGAP tuồn vào siêu thị, tối 22-9, Bộ NN&PTNT đã tổ chức cuộc họp trao đổi về công tác quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiều hệ thống bán lẻ bị ảnh hưởng

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay sự việc này ảnh hưởng rất lớn đến các hệ thống bán lẻ, ảnh hưởng đến các nhà sản xuất chân chính.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đề nghị cơ quan quản lí nhà nước tăng cường kiểm soát, có chế tài xử lí xử phạt nghiêm minh, để không ảnh hưởng tới các cơ sở sản xuất làm ăn chân chính.

Từ góc độ nhà bán lẻ, bà Hậu cho biết khi kí hợp đồng với một nhà sản xuất, siêu thị phải kiểm tra kiểm soát chặt chẽ, trước hết về mặt giấy tờ. Nếu siêu thị nào làm theo quy chuẩn thì họ sẽ đề ra tiêu chuẩn kèm theo kiểm tra, giám sát ở cơ sở sản xuất.

“Chúng tôi rất hạn chế mua của nhà cung cấp trung gian, bởi sẽ không quản lí được đầu vào” – bà nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp. Cuộc họp bắt đầu từ 19 giờ kéo dài đến 21 giờ. Ảnh: AH

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp. Cuộc họp bắt đầu từ 19 giờ kéo dài đến 21 giờ. Ảnh: AH

Bà Hậu cũng chia sẻ nông sản Việt Nam đang thiếu các sản phẩm trái vụ nên phải nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc, lại nhập qua đường tiểu ngạch không qua kiểm soát, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Anh Đức, đại diện Saigon Co.op cũng bày tỏ rất buồn vì ảnh hưởng tới thương hiệu của rau củ quả Việt Nam nói chung cũng như Saigon Co.op nói riêng. Đơn vị này cũng xuất khẩu nông sản ra nhiều nước, và sau thông tin này đối tác phía Nhật, Singapore đã gọi điện để trao đổi về tình hình cụ thể.

Theo ông Đức, các đơn vị đều mong muốn thu mua trực tiếp nhưng không làm được do tính chất, quy mô sản xuất hiện nay còn nhỏ lẻ, không đủ lượng hàng thường xuyên. Các thủ tục, chính sách thu mua trực tiếp còn khó khăn, không có hoá đơn đầu vào - đầu ra, vì vậy mới phát sinh ra những đơn vị trung gian.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng cần phải làm rõ đây là hàng hoá không truy xuất được nguồn gốc chứ không phải là hàng hoá có vấn đề. Vì hàng hoá vào chợ đầu mối là đã được kiểm soát.

“Vấn đề sai ở đây là giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa nhà cung cấp với các chuỗi siêu thị về nguồn gốc hàng hoá. Còn hàng hoá đã sản xuất ra có người làm tốt, có người làm không tốt, nhưng không phải ai cũng làm không tốt. Truyền thông cần cụ thể, rõ ràng, nếu không sẽ ảnh hưởng đến toàn ngành” – ông Tùng nhấn mạnh.

Rà soát lại tất cả tiêu chuẩn, quy chuẩn

Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản cho biết người tiêu dùng đang nghĩ rằng sản phẩm tốt, sản phẩm chuẩn thì chúng ta xuất khẩu, còn tiêu dùng trong nước không được như thế. Nhưng thực tế, hàng xuất khẩu chúng ta làm theo tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu, nếu không đạt tiêu chuẩn đó thì họ không nhập, trước khi xuất khẩu các lô hàng phải được giám định.

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nêu ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: AH

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nêu ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: AH

Về mặt nguyên tắc, việc kiểm soát không chỉ là trách nhiệm của cơ quan nhà nước mà của cả người sản xuất, kinh doanh, nguyên tắc đơn vị sau giám sát đơn vị trước để đảm bảo nguồn nguyên liệu an toàn. Đơn vị thu gom sơ chế giám sát đơn vị trồng trọt, phân phối giám sát lại đơn vị sơ chế chế biến. Nhà nước chỉ giám sát bên ngoài xem các hoạt động đó có chuẩn chỉ không.

Theo ông Tiệp, muốn giám sát, chuẩn hoá thì phải đưa ra các chỉ số có thể đo lường được, và đó là tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, quản lí sau khi VietGAP chứng nhận lại là bên thứ ba đảm nhận. Các đơn vị chỉ định tổ chức chứng nhận VietGap và hoạt động tổ chức chứng nhận VietGAP có làm đúng hay không, sản phẩm đưa ra thị trường có đúng chuẩn là VietGAP hay không thì chúng ta chưa làm tốt khâu này.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản cho biết Cục sẽ có chương trình làm điểm trong ba chợ lớn nhất TP.HCM là Tân Xuân, Bình Điền, Hóc Môn để kiểm soát hàng đưa vào chợ, bằng cách lấy mẫu giám sát, xử lí trường hợp vi phạm.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho hay đây không phải là trách nhiệm của riêng ai.

"Bộ trưởng kêu gọi sự vào cuộc của tất cả hệ thống bán lẻ, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cơ quan truyền thông để tạo dựng hệ sinh thái ngành hàng. Ngày xưa có lần tôi nói, phải xây dựng nền nông nghiệp tử tế, lúc đó nhiều người phản đối lắm, nói vậy thì chả hoá ra tôi làm không tử tế sao? Đó là câu chuyện liên quan đến cảm xúc. Chúng ta làm minh bạch, tử tế không chỉ để phục vụ thị trường xuất khẩu, mà là phục vụ thị trường hơn 100 triệu dân trong nước" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng đề nghị các cơ quan thuộc Bộ rà soát lại tất cả các tiêu chuẩn, quy định, chế tài, xem còn phù hợp hay không, cần sửa cái gì?

"Đúng là lâu nay chúng ta chỉ khuyến khích làm VietGAP, mà chưa bắt buộc tất cả các siêu thị phải bán hàng VietGAP. Nhưng nếu không làm VietGAP mà bán giá VietGAP thì nhà nước có thể vào cuộc kiểm tra, xử phạt; người tiêu dùng có thể tẩy chay... Nếu có không gian rõ ràng, minh bạch giữa một bên là nông sản được chứng nhận, với một bên là không được chứng nhận, thì tôi tin người tiêu dùng sẽ có lựa chọn của mình" - Bộ trưởng Hoan nói.

Theo số liệu của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thuỷ sản, từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã thực hiện kiểm tra dư lượng hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng với 2.503 mẫu. Kết quả cho thấy có 40 mẫu vi phạm dư lượng, chiếm 1,6%. Kiểm tra vi sinh với 13 mẫu, kết quả không có mẫu nào vi phạm về chỉ tiêu vi sinh. Trong khi đó, năm 2018, đơn vị kiểm tra 13.376 mẫu thì phát hiện 198 mẫu vi phạm dư lượng hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, chiếm tỷ lệ 1,48%.

Đáng chú ý số cơ sở trồng trọt áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP và tương đương tăng nhanh. Nếu năm 2018 có 1.845 cơ sở áp dụng VietGAP, VietGAHP, diện tích 20.000ha thì năm 9 tháng năm 2022 là 8.304 cơ sở, với diện tích 480.000ha.

Cũng theo cơ quan này, chất lượng an toàn thực phẩm nói chung và sản phẩm rau nói riêng cải thiện còn chậm, không ổn định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm