Chiều 4-6, 1 ngày trước khi TAND TP Hoà Bình ra phán quyết với bị cáo Hoàng Công Lương và 2 bị cáo khác trong vụ án liên quan đến sự cố y khoa ở BV đa khoa Hoà Bình làm 9 người chết, Bộ Y tế tổ chức họp cung cấp thông tin về vụ án.
Tại buổi họp báo, đại diện Bộ Y tế, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho rằng chứng cứ xác định tội danh với bác sĩ Lương còn yếu, chưa đủ yếu tố cấu thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bởi vậy, ông đề nghị HĐXX phải tôn trọng chứng cứ và lời khai của những người liên quan tại toà và nếu có thể thì “tuyên bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội”.
Đi sâu vào các vấn đề thắc mắc tại phiên tòa cũng như khiến dư luận xôn xao, tại cuộc họp, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục khám chữa bệnh, Bộ Y tế phản bác thông tin Bộ Y tế chậm ban hành các quy trình về chạy thận nhân tạo.
Ông cho rằng từ năm 2000, Bộ đã ban hành các quy trình lọc máu cơ bản về chạy thận nhân tạo. Sau sự cố y khoa tại Bệnh viện đa khoa Hoà Bình, vào đầu năm 2018, Bộ đã bổ sung 52 quy trình về chạy thận nhân tạo, trong đó có 7 quy trình liên quan đến vận hành hệ thống lọc nước RO.
Ông Khoa cho biết thêm, khi có tiến bộ mới, Bộ Y tế sẽ liên tục cập nhật thông tin về quy trình lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo. Cụ thể, năm 2004 và 2014, Bộ Y tế cũng đã tiếp tục cập nhật nội dung này; năm 2018, Bộ Y tế bổ sung 52 quy trình chạy thận, trong đó có 7 quy trình liên quan đến chất lượng hệ thống nước RO của máy chạy thận.
"Bộ Y tế phản bác thông tin về việc chậm trễ ban hành quy trình lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo. Khoa học y học có sự phát triển liên quan đến nhiều ngành khác nhau, phải có thời gian và lộ trình mới cập nhật. Sự cố y khoa tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình là sự cố hy hữu, thế giới chưa từng gặp. Chúng tôi đã thăm dò trên mạng, cũng vào ngày 29-5-2015 tại một bệnh viện ở Canada, sau khi sửa chữa, bảo dưỡng cũng đã có 4 trường hợp tai biến, có 1 người chết" - ông Khoa nói.
Liên quan vấn đề cần hay không xét nghiệm AAMI trước khi sử dụng máy lọc thận nhân tạo với bệnh nhân, đại diện Bộ Y tế có hai công văn phúc đáp. Một công văn trả lời Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Hoà Bình) và một công văn trả lời công ty luật sư.
Cụ thể, Công an tỉnh Hoà Bình đã gửi 6 câu hỏi đến đại diện Bộ Y tế, trong đó có nội dung sau khi sửa chữa xong hệ thống lọc nước RO, bệnh viện có phải xét nghiệm mẫu nước trước khi đưa máy lọc thận vào sử dụng không?
Trong công văn cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hoà Bình gửi có hợp đồng 315 ghi phải xét nghiệm AAMI nên ông trả lời cần thiết phải xét nghiệm AAMI. Theo ông Quang, "cần thiết" được hiểu là dựa vào điều khoản trong hợp đồng giữa hai bên; nếu có thoả thuận thì bắt buộc phải xét nghiệm, còn không thì bỏ qua.
Đại diện Bộ Y tế trả lời báo chí chiều 4-6.
Còn trong công văn trả lời văn phòng luật sư, Bộ Y tế cho rằng hiện chưa có văn bản nào bắt buộc phải kiểm tra các tiêu chuẩn AAMI sau khi bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống lọc nước RO. Tuy nhiên, mỗi lần sửa chữa bắt buộc thì phải làm xét nghiệm tồn dư hoá chất, đồng thời khuyến cáo xét nghiệm thêm độc tố và vi khuẩn.
Ông Quang khẳng định, nội dung hai công văn không khác nhau và cũng không mâu thuẫn như đánh giá của cơ quan công tố tại toà. Ông Quang cho rằng đây cũng không phải “viết thừa hay lỗi đánh máy” như các luật sư nhận định.
Theo ông Quang, đại diện VKS không thể dựa vào công văn này của Bộ Y tế này để làm căn cứ truy tố ba bị cáo. "Cơ quan công tố cho cho rằng dựa vào sự mâu thuẫn của hai công văn này để đề nghị HĐXX trả hồ sơ là không có căn cứ”, ông nói.
Được biết vào 14 giờ ngày 5-6, TAND TP Hoà Bình sẽ ra phán quyết với bị cáo Hoàng Công Lương và 2 bị cáo khác trong vụ án liên quan đến sự cố y khoa ở BV đa khoa Hoà Bình.