Bom đạn, khói lửa ở Dải Gaza bao giờ đến hồi kết?

(PLO)- Xung đột Israel - Hamas ở Dải Gaza đã bước sang tháng thứ hai và vẫn tiếp tục tăng nhiệt dù thương vong không ngừng tăng và bất chấp lời kêu gọi ngừng bắn từ cộng đồng quốc tế.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) đã bước sang tháng thứ hai.

Đã và đang có rất nhiều nỗ lực ngoại giao tìm kiếm hòa bình, lời kêu gọi ngừng bắn vang lên ngày càng dồn dập khi thương vong ngày càng cao và tình hình nhân đạo trên Dải Gaza ngày càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, đến lúc này các bên vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt xung đột, làm gia tăng lo ngại bạo lực sẽ không có hồi kết.

Nhìn lại một tháng xung đột

Xung đột bắt đầu lúc 6 giờ 30 ngày 7-10 khi Lữ đoàn al-Qassam - cánh vũ trang của Hamas nã hàng ngàn quả rocket vào miền Nam Israel. Tiếng còi báo động vang xa đến tận các TP Tel Aviv và Beersheba của Israel. Hamas triển khai máy bay chiến đấu vào miền Nam Israel, cho chiến binh Hamas đột nhập vào lãnh thổ Israel bắt con tin và cướp tù nhân, theo kênh Al Jazeera.

Đến ngày 7-11, chín nước (Bahrain, Bolivia, Chad, Chile, Colombia, Honduras, Jordan, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ) đã triệu hồi nhà ngoại giao tại Israel về nước để phản đối cuộc tấn công của Israel vào dân thường Gaza. Riêng Bolivia đã cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Israel.

Lực lượng Phòng vệ Israel mở chiến dịch trên không và trên bộ đáp trả, thề tiêu diệt tất cả mục tiêu Hamas ở Dải Gaza. Israel huy động hơn 300.000 quân dự bị dọc biên giới với Gaza, cắt điện, nước và ngăn nhiên liệu, thực phẩm vào dải đất này nhằm bao vây Hamas.

Đến nay giao tranh hai bên tiếp diễn từng giờ. Israel không kích hàng trăm mục tiêu Hamas ở Gaza mỗi ngày. Hamas cũng liên tục nã rocket từ Gaza sang Israel.

Tính đến ngày 7-11, thương vong xung đột Israel - Hamas cao đến mức giới quan sát gọi là khủng khiếp. Theo số liệu từ Bộ Y tế Palestine, đã có tới 10.022 người Palestine ở Gaza thiệt mạng, 25.408 người bị thương. Khu vực Bờ Tây cũng ghi nhận hàng trăm người chết, hàng ngàn người bị thương. Tại Israel, cuộc tấn công ngày 7-10 của Hamas làm hơn 1.400 người chết, hơn 5.600 người bị thương.

Giao tranh khiến phần lớn Gaza trở thành đống đổ nát và toàn bộ biên giới bao quanh dải đất bị khóa chặt từ mọi phía. Tình hình nhân đạo trên Dải Gaza tăng báo động từng ngày.

Trong ngày 7-11, có thêm 93 xe tải chở hàng viện trợ vào Gaza qua cửa khẩu Rafah (giáp với Ai Cập), nâng tổng số xe chở viện trợ vào Gaza từ đầu xung đột lên 569 xe, theo Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine. Tuy nhiên, con số này vẫn rất nhỏ so với nhu cầu của 2,3 triệu dân trên Dải Gaza.

Theo nhiều nhà quan sát, hiện không còn nơi nào trên Dải Gaza an toàn. Bệnh viện, trường học, nhà thờ, xe cứu thương… đều đã trở thành mục tiêu tấn công của lực lượng Israel. Ngày 7-11, Bộ trưởng Bộ Y tế Palestine Mai al-Kaila cho biết hơn 60% số bệnh viện và trung tâm y tế ở Gaza không còn hoạt động. Nhiều người lo ngại đến viễn cảnh Dải Gaza trở thành mồ chôn tập thể, nếu xung đột không chấm dứt.

Anh bai chinh P16 dang 8-11-2023.jpg
Người dân TP Rafa (phía nam Dải Gaza) tìm kiếm người sống sót trong đống đổ nát sau vụ pháo kích của Israel vào TP này ngày 6-11. Ảnh: AFP

Lời kêu gọi ngừng bắn từ khắp nơi

Từ khắp nơi trên thế giới, tiếng nói kêu gọi ngừng bắn, bảo vệ mạng sống của dân thường vô tội và tăng cường hỗ trợ người dân ở Dải Gaza ngày càng nhiều.

Từ khi xung đột bùng phát, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) liên tục họp, cuộc họp mới nhất là vào ngày 6-11. Tuy nhiên, thời điểm này HĐBA vẫn chưa thể đưa ra nghị quyết kêu gọi ngừng bắn do khác biệt quan điểm giữa các nước thành viên xung quanh cuộc xung đột.

Ngày 6-11, sau khi không vận động thành công các thành viên HĐBA ra nghị quyết về xung đột, Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cùng ra tuyên bố chung kêu gọi ngừng bắn nhân đạo khẩn cấp.

Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi ngừng bắn nhân đạo khẩn cấp, nhấn mạnh sự cần thiết của việc HĐBA phải hành động khẩn cấp và thông qua một nghị quyết có ý nghĩa và khả thi”. Tiếp lời ông Trương, Đại sứ UAE tại LHQ Lana Zaki Nusseibeh nhấn mạnh rằng “chiến tranh có luật và luật này phải được tôn trọng”.

Họp báo ngày 6-11, Tổng Thư ký LHQ António Guterres báo động rằng lệnh ngừng bắn nhân đạo trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết khi Dải Gaza đang “trở thành nghĩa địa cho trẻ em”. Cuối tuần qua, 18 cơ quan của LHQ và các tổ chức viện trợ lớn đã đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi các bên tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và thực hiện “ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức” ở Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine, theo đài CNN.

Mỹ - một đồng minh thân thiết của Israel - đang theo đuổi một lệnh “tạm ngừng nhân đạo” để đảm bảo thả con tin và cho phép phân phối viện trợ vào Dải Gaza. Sự tích cực của Washington thể hiện qua các cuộc điện đàm liên tục giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cũng như ba chuyến công du Trung Đông trong vòng một tháng qua của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Đáp lại những lời kêu gọi, ngày 7-11, Thủ tướng Netanyahu cho biết Israel sẽ xem xét “tạm dừng chiến thuật” để cho con tin rời đi và viện trợ đi qua Dải Gaza, song bác bỏ lời kêu gọi ngừng bắn bất chấp áp lực quốc tế.

“Về những khoảng thời gian dừng bắn nhỏ mang tính chiến thuật - 1 giờ ở khu vực này, 1 giờ ở khu vực khác - chúng tôi đã từng làm trước đây. Israel sẽ đánh giá tình hình để cho phép viện trợ nhân đạo đi vào và con tin đi ra khỏi Dải Gaza. Nhưng tôi không nghĩ sẽ có một lệnh ngừng bắn chung” - nhà lãnh đạo Israel làm rõ.•

Tương lai nào với cuộc xung đột?

Đài CGTN dẫn lo ngại của GS Ilan Pappe, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Palestine tại ĐH Exeter (Anh), rằng “cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn và bạo lực không hồi kết” có thể là những gì sẽ xảy ra tiếp theo.

“Tôi e rằng những gì chúng ta thấy hiện nay trên thực tế sẽ trở nên tồi tệ hơn, trừ khi có sự can thiệp quốc tế hoặc can thiệp khu vực hiệu quả, tình hình có thể xấu đi, thậm chí vượt ra ngoài biên giới Israel và Gaza đến biên giới phía Bắc giữa Israel và Lebanon” - ông Pappe lo ngại.

Vị chuyên gia lập luận rằng sở dĩ xung đột có thể đi vào bế tắc vì rất ít khả năng Israel sẽ đồng ý với giải pháp hai nhà nước - giải pháp mà ông Pappe cho rằng thích hợp nhất tính đến thời điểm hiện tại.

Một số chuyên gia cho rằng Israel có thể hoàn thành mục tiêu của nước này ở Gaza - xóa sổ hoàn toàn Hamas. Khi đó, một liên minh các nước Ả Rập có thể đóng vai trò là lực lượng quản lý Gaza dưới sự hỗ trợ của Mỹ và LHQ. Khả năng chính quyền Palestine ở Bờ Tây tiếp quản Gaza cũng được đề cập.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm