Bóng đá và thần tượng

Hồi đấy người hâm mộ đến sân để xem các thần tượng như Tam Lang, Cù Sinh, Cù Hè rồi đến các thế hệ sau như Cao Cường, Thế Anh, Đặng Trần Chỉnh, Phan Hữu Phát, Trương Văn Dưỡng… Bây giờ, khi bóng đá Việt Nam tìm mãi không ra thần tượng thì người hâm mộ lại nô nức tìm đến một cái tên rất mới: U-19.

Nói U-19 giờ là thần tượng thì chưa đúng nhưng nói đấy là một thương hiệu thì chẳng sai. Chính vì thế mà nhà tài trợ cho U-19 HA Gia Lai đã cho ra đời sản phẩm nước uống mang tên U-19. Và nói như bầu Đức thì ông mong mọi người quên đi thứ bóng đá xấu xí trong thời gian qua và cùng chờ đợi, cùng ủng hộ lứa cầu thủ mới và tin vào sự nghiêm túc của các em lẫn những người viết nên lộ trình cho các em.

Điều ông Đức nói rất thực tế. Nó không to tát gì bởi bỏ cái xấu để ủng hộ cái mới và cái hay, cái đẹp là đúng nhưng vì sao nó lại được thốt lên từ một doanh nghiệp chứ không phải từ những người được trao quyền điều hành cả nền bóng đá?

13 năm qua bóng đá Việt Nam sống với hai chữ chuyên nghiệp nhưng nghĩ và làm một cách chuyên nghiệp thực thụ để có thứ bóng đá sống bằng niềm tin rồi mới xây dựng thần tượng thì ai làm được?

13 năm qua ai bỏ tiền để làm bóng đá tử tế và ai ăn theo bóng đá qua việc “đốt” tiền lẫn “hái” tiền?

Đã lâu lắm rồi người hâm mộ không tìm được thần tượng để yêu và để sống trong khi nhiều nhà làm bóng đá lại yêu cái khác nhiều hơn yêu bóng đá.

Vì thế mà cũng không lạ khi người hâm mộ đang tìm kiếm thần tượng từ một lớp cầu thủ trẻ mà họ tin rằng trong sáu năm qua họ đang được dưỡng dục một cách tử tế.

Một nền bóng đá mà người hâm mộ có suy nghĩ rằng những cái lớn đều đã “chết” đi để hy vọng vào một mầm sống thì đúng là tội nghiệp thật.

Nhưng dù gì thì vẫn còn có cái để hy vọng trước khi bước vào năm mới 2014.

NGUYỄN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm