LTS: Sự thất bại của Thượng viện Anh trong việc can thiệp Đạo luật khởi động Brexit (nước Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu) vào cuối tháng 3-2017, ngay sau đó tiến trình Brexit được khởi động đang đặt ra những câu hỏi lớn. Tương lai nào của hàng triệu công dân EU, Anh và sự thịnh vượng của khu vực? Tiến trình này sẽ đẩy EU vào khủng hoảng không thể cứu vãn, hay là động lực để EU thay đổi diện mạo của mình?
Theo đúng nội dung Điều 50 Hiệp ước Lisbon, tiến trình Brexit sẽ diễn ra trong hai năm. Cả EU và Anh bắt đầu bước vào cuộc thương thuyết “ly hôn” mà kết quả sẽ còn là một dấu chấm hỏi. Cả hai đã và đang va chạm không chỉ ở giá trị bản sắc mà còn lợi ích kinh tế. Điều đó khiến quá trình thương thuyết càng trở nên kịch tính. GS Phan Văn Trường, chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế, nguyên cố vấn thương mại quốc tế của chính phủ Pháp, đã có những chia sẻ với báo Pháp Luật TP.HCM về những chọn lựa khả dĩ trên bàn đàm phán và dự báo tương lai của Anh và EU trong cuộc “ly hôn” đình đám này.
Anh chiếm ưu thế mặc cả
. Phóng viên: Nhìn ở góc độ xung đột bản sắc, xin giáo sư chia sẻ nguyên nhân của cuộc “ly hôn” giữa Anh và EU?
+ GS Phan Văn Trường: Trên thế giới, các mối quan hệ láng giềng giữa các quốc gia đều có chuyện “cơm không lành, canh không ngọt”. Riêng Anh còn là một tập hợp quốc gia đảo, người dân tự xem mình có văn hóa cao nhất hoàn vũ. Đồng bảng Anh (GBP) cũng như thị trường chứng khoán London đều là mối tự hào lớn của nền kinh tế Anh.
Đừng quên nước Anh là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới đến cuối thế kỷ 19, không những thế các thuộc địa của Anh đều trù phú và được tổ chức hành chính bài bản, hoạt động như một quốc gia pháp quyền từ lâu. Cách mạng công nghiệp đã khởi sự từ Anh để lan rộng sang thế giới. Có quá nhiều lý do khiến người Anh không bao giờ thực sự nhìn nhận họ là người Âu châu chính hiệu. Đối với họ, châu Âu chỉ là một từ ngữ mang tính địa lý, chứ nước Anh hẳn là riêng biệt. Trong Thế chiến thứ hai, chính người Anh và người Mỹ đã cứu châu Âu khỏi Hitler. Do đó, họ có lý do để tự cao, khó lòng mà tự họ muốn hòa nhập.
. Mô hình kinh tế Anh-EU hậu Brexit hiện có hai khả năng: Một là EU “hào phóng” mở đường, tạo điều kiện để Anh hưởng lợi ích không kém gì trước đây. Hai là EU nhân cơ hội này cắt giảm hợp tác, quyền lợi của Anh để ngăn chặn những cuộc “tháo chạy” tương tự. Quan điểm của giáo sư như thế nào?
+ Thực tế là EU cần Anh hơn là Anh cần EU. Nước Anh còn đủ quyền lực và nguồn lực của một quốc gia hùng mạnh, kiểu như Nhật Bản nhưng có thêm quân đội. Còn EU thì nước hùng mạnh họa may chỉ có Đức, còn Pháp, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bỉ đều yếu và phân tán. Một tập hợp hỗn hợp trong đó mỗi thành viên lại có ý đồ riêng để lợi dụng cộng đồng. Đó là trường hợp của các nước Đông Âu cũ. Trong thương thuyết cùng thắng, người ta sẽ thấy EU ve vãn Anh chứ không phải ngược lại.
Theo đúng nội dung Điều 50 Hiệp ước Lisbon, tiến trình Brexit sẽ diễn ra kéo dài trong hai năm. Cuộc “ly hôn” đình đám giữa Anh và EU sẽ diễn ra như thế nào?
EU và căn bệnh “con nhà giàu”
. Điều mà rất đông người quan tâm chính là quyền lợi công dân Anh ở EU và ngược lại. Liệu cuộc “ly hôn” lần này có chấm dứt quyền lợi của họ trong suốt nhiều năm qua?
+ Tôi không nghĩ quyền lợi công dân Anh và EU sẽ không được bảo vệ. Trong cuộc thương thuyết này, người Anh sẽ hết sức nhấn mạnh trọng tâm: Tuy tách khỏi EU nhưng phải cố giữ mọi tự do đi lại và sinh hoạt của công dân Anh để duy trì thịnh vượng chung cho khu vực. Khó lòng EU từ chối, vì nếu làm thế thì chỉ có hại cho đôi bên - điều mà không ai muốn.
Đối với nền kinh tế, nhất thiết phải tìm đến mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Tôi tin rằng quan hệ hai bên về mọi mặt vẫn tiếp tục tích cực. Ngoài ra sẽ có rất nhiều người vin vào kết quả suýt soát của cuộc trưng cầu dân ý về Brexit để vận động hành lang, tìm cách kéo Anh sát lại EU càng gần càng tốt.
. Trong quá trình Anh và EU đang “mặc cả” với nhau, trong bối cảnh suy thoái kinh tế, bất ổn an ninh và sự phân tán chính trị đang diễn ra, liệu EU có lâm vào khủng hoảng trầm trọng hơn?
+ Cuộc khủng hoảng của EU, ít nhất là của các nước phía Tây của EU, là một cuộc khủng hoảng của khái niệm “nền dân chủ”. Tại Pháp, khái niệm dân chủ đã chạm đáy, do một số tổng thống gần đây nhất đã lạm dụng kỹ thuật chính trị qua bầu cử để giành quyền. Phe cánh tả “nhập khẩu” người Ả Rập để lật ngược cán cân bầu cử vì cuộc bầu cử nào cũng suýt soát 50/50 và chỉ cần 1% cử tri thiên vị là chiến thắng. Chính điểm này cũng là một trong những thứ làm cho nước Anh không cảm thấy gần gũi EU.
EU hơi tự hào thái quá về nền văn hóa vinh quang của họ. Họ cho rằng họ cứ dễ dãi, nhất là với nhập cư, với thành phần lao động lười biếng, với những người nghèo không có bảo hiểm là văn minh. Họ không ngờ vấn đề đã trở nên nghiêm trọng nhưng muốn quay về trạng thái cũ cũng khó vì nếp sống dễ dãi và ỷ lại đã lên ngôi.
Ngay người Đức, vốn chăm chỉ và nghiêm nghị với luật pháp, cũng đang bị lối sống này chi phối.
. Giáo sư có kỳ vọng rằng Brexit sẽ là động lực để EU cải cách và thay đổi diện mạo tích cực hơn?
+ Quan điểm của tôi vẫn là thực tế. Khi người dân EU còn đủ phúc lợi để lười biếng thì chẳng bao giờ cuộc cải tổ nào có thể đi tới cùng. Vì cứ hơi một tí là dân chúng biểu tình, mà phần lớn biểu tình đều có lý do không mấy chính đáng.
Nhưng thực tế lý do lớn nhất là người dân nghĩ rằng họ bị giới tài phiệt quốc tế lợi dụng. Người dân thèm đi chơi, nghỉ hè, thư giãn, họ thèm thu nhập cao, làm việc ít. Khó lòng mà phản biện, vì trong cùng một lúc cũng có những tài phiệt có thể kiếm ra hàng tỉ euro trong một đêm bất kể họ có làm việc chính đáng hay không. Sau Brexit cũng chẳng có cuộc cải tổ nào nên chuyện. Thế giới của EU là thế giới của con nhà giàu muốn hưởng một cuộc sống dễ dàng, ít nhất là phía Tây Âu.
. Xin cám ơn giáo sư.
Brexit không ảnh hưởng đáng kể đến Việt Nam Tôi không nghĩ là nền thương mại Việt Nam-EU và Việt Nam-Anh sẽ chịu ảnh hưởng gì sau Brexit vì đây là vấn đề nội bộ giữa Anh và EU. Anh sẽ dành ưu tiên cho khối thịnh vượng chung, trước đây là các nước thuộc địa của họ. Hơn thế nữa, trong các nước này hành lang pháp luật, các thủ tục truyền thống đã được thiết lập từ lâu. Thương mại Anh và Việt Nam không đáng kể nên quan hệ kinh tế, thương mại với Việt Nam sẽ không thay đổi mấy dù có Brexit hay không. Một lần nữa thực tế sẽ là kim chỉ nam. Mọi người sẽ thương thuyết lại những thỏa hiệp thương mại mới để cố gắng phát triển mậu dịch bằng mọi giá. Việt Nam sẽ chẳng mất gì mấy và cũng sẽ chẳng có lợi ích trực tiếp nào. Tôi kỳ vọng Việt Nam nên năng động hơn để phổ biến các sản phẩm ra nước ngoài. Các tham tán thương mại của các nước ngoài họ hoạt động rất tích cực để phổ biến những sản phẩm quốc gia của họ. Sau Brexit thì rõ ràng công việc đó lại càng chính đáng hơn, cần thiết hơn. Ngoài ra, phải củng cố mối quan hệ kinh tế và tài chính với mỗi nước lẻ của EU. Đồng euro sẽ càng ngày càng yếu như đã được thấy trong năm vừa qua. Tất cả các chuyên gia tài chính đều nhìn nhận là EU vẫn chỉ là một giấc mơ đẹp và đồng euro là một phương tiện tuyệt vời nhưng quá tốn kém. ____________________________ GS Phan Văn Trường là tác giả quyển sách nổi tiếng Một đời thương thuyết (2016), chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế, nguyên cố vấn của chính phủ Pháp về thương mại quốc tế. Ông được tổng thống Pháp trao tặng huy chương Hiệp sĩ Bắc Đẩu Bội Tinh (Chevalier de l’Ordre National du Merite) năm 2007. |
______________
* Nghiên cứu viên cộng tác Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) - ĐHQG TP.HCM.