Cả phương Tây lẫn Nga đều nói cởi mở hoà đàm về Ukraine, thực tế thế nào?

(PLO)- Lãnh đạo nhiều nước gần đây lên tiếng khuyến khích Ukraine và Nga đàm phán, viễn cảnh thực tế thế nào?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày càng có nhiều tiếng nói thúc giục một cuộc đàm phán hòa bình nhằm kết thúc cuộc chiến Nga-Ukraine, trong bối cảnh cuộc xung đột bước vào tháng thứ mười với cục diện trên chiến trường thay đổi đáng kể.

Ukraine trong những tháng gần đây đạt được những bước tiến lớn, giành lại nhiều khu vực mà trước đây Nga kiểm soát. Tháng trước Nga chủ động rút quân khỏi Kherson, tuy nhiên gần đây tăng cường không kích các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Hiện trên chiến trường lực lượng Nga và Ukraine vẫn đang giao tranh ác liệt đặc biệt tại khu vực Donetsk.

Tờ 19fortyfive nhận định mùa đông có thể sẽ làm thay đổi cách thức hoạt động của quân lính hai nước cũng như tác động đáng kể tới cường độ chiến đấu. Tuy nhiên, ở mặt tích cực, nó mang tới một cơ hội đàm phán cho cả Nga và Ukraine. Dù vậy, các tín hiệu gần đây cho thấy con đường hoà đàm đi tới kết thúc xung đột còn khá xa.

Phái đoàn Nga và Ukraine trong một cuộc gặp hôm tháng 3 tại Belarus. Ảnh: Reuters

Phái đoàn Nga và Ukraine trong một cuộc gặp hôm tháng 3 tại Belarus. Ảnh: Reuters

Các lãnh đạo lên tiếng về đàm phán Nga-Ukraine

Điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 2-12, Thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi Moscow nên tiến hành các giải pháp ngoại giao để kết thúc xung đột với Kiev, bao gồm việc rút quân.

Họp báo chung tại Mỹ ngày 1-12, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng ông “sẵn sàng nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu ông ấy thực sự quan tâm đến chuyện tìm cách chấm dứt cuộc chiến”.

Tháng trước, truyền thông phương Tây đưa tin nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Biden giục Ukraine đưa ra các tín hiệu rằng nước này vẫn cởi mở khả năng đàm phán ngoại giao với Nga.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley ngày 16-11 nêu ý kiến rằng việc Ukraine giành được thắng lợi trên chiến trường và mùa đông đang đến gần có thể mở ra cơ hội cho một giải pháp chính trị. Theo ông, "một chiến thắng quân sự có lẽ sẽ khó đạt được, do đó cần chuyển sang các phương tiện khác”.

Đại sứ Mỹ tại NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) Julianne Smith cho biết Washington hy vọng đàm phán về Ukraine có thể diễn ra.

Tổng thống Biden (phải) và Tổng thống Pháp Macron tại Nhà Trắng. Ảnh: Doug Mills/POOL/REUTERS

Tổng thống Biden (phải) và Tổng thống Pháp Macron tại Nhà Trắng. Ảnh: Doug Mills/POOL/REUTERS

Tổng thống Kazakhstan, ông Kassym-Jomart Tokayev, ngày 23-11 cũng lên tiếng kêu gọi "đã tới lúc cho một sự tìm kiếm tập thể về công thức hoà bình [cho Ukraine]. Bất kỳ cuộc chiến tranh nào cũng kết thúc bằng đàm phán hòa bình. Bất kỳ cơ hội nào cũng cần nắm bắt để đạt được ít nhất một hiệp định đình chiến”.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) ở Indonesia vào tháng trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nhấn mạnh không có ai chiến thắng trong cuộc xung đột tại Ukraine và chỉ có hoà bình mới mang tới lợi ích cho tất cả, cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực thuyết phục Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán. Cấp dưới của ông, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu cũng tuyên bố Nga và Ukraine sẽ không tránh khỏi việc ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết cuộc xung đột vì theo ông, hành động quân sự sẽ không đem lại kết quả mà chỉ làm kéo dài cuộc chiến, theo đài RT.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hối thúc phải "tìm cách quay trở lại con đường ngừng bắn và ngoại giao tại Ukraine. Sự cần thiết vào thời điểm này là thể hiện quyết tâm cụ thể và tập thể để đảm bảo hòa bình, hòa hợp và an ninh trên thế giới". Lưu ý rằng, nhiều tháng trước đó, ông Modi đã cảnh báo kỷ nguyên thế giới hiện nay không phải là kỷ nguyên của chiến tranh.

Trong cuộc gặp tháng trước, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và Tổng thống Pháp Macron “kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế không để xung đột leo thang hơn nữa, cũng như nghiêm túc xem xét các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình thông qua ngoại giao và đối thoại".

Hãng thông tấn Tân Hoa xã dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh “quan điểm của Trung Quốc về cuộc khủng hoảng Ukraine là rõ ràng và nhất quán. Trung Quốc ủng hộ ngừng bắn, chấm dứt cuộc chiến và hoà đàm. Cộng đồng quốc tế nên tạo điều kiện cho việc này và Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò xây dựng theo cách riêng của chúng tôi".

Nga, Ukraine cởi mở đàm phán

Về phía Nga, các quan chức cấp cao của nước này cũng nhiều lần khẳng định rằng Moscow sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán hòa bình. Trong một bình luận hôm 2-12 về thông điệp kêu gọi đối thoại của ông Biden, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov dù từ chối đề xuất của Washington nhưng khẳng định Tổng thống Putin “luôn sẵn sàng cho các hoạt động liên lạc và đàm phán, việc sử dụng các biện pháp ngoại giao chắc chắn là cách được ưu tiên hàng đầu để Moscow có thể đạt được những mục tiêu nhất định".

Trước đó, vào ngày 17-11, ông Peskov tuyên bố mục tiêu của Nga trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine là rõ ràng và có thể đạt được thông qua cả đàm phán và quân sự. Ông còn nhấn mạnh để các cuộc đàm phán với Ukraine có thể xảy ra, cần có sự tham gia của các quốc gia phương Tây như là “yếu tố dẫn dắt và củng cố”.

Vào đầu tháng 11, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko đưa ra một trong những tín hiệu tích cực nhất về hòa đàm khi ông khẳng định Moscow luôn sẵn sàng đàm phán với Ukraine mà không có bất kỳ “điều kiện tiên quyết” nào, trừ một điều kiện chính là phía Ukraine phải thể hiện thiện chí.

Hãng tin RIA Novosti dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Tổng thống Putin nhiều lần nói rằng nước này chưa bao giờ từ chối đàm phán và Moscow "sẵn sàng lắng nghe các đồng nghiệp phương Tây nếu họ đưa ra những yêu cầu khác để tổ chức đối thoại".

Về phía Ukraine, tháng trước Tổng thống Volodymyr Zelensky phát tín hiệu cởi mở đàm phán với Nga. Theo 19fortyfive, điều này mang ý nghĩa quan trọng truyền đi thông điệp đối thoại của Kiev, không chỉ vì trước đây ông Zelensky tuyên bố từ chối đàm phán với Nga chừng nào ông Putin vẫn là Tổng thống, mà hơn hết Ukraine hiện đang ở trong một vị thế đàm phán mạnh mẽ.

Triển vọng đàm phán vẫn mờ mịt

Bất chấp những thông điệp kêu gọi trên, triển vọng đàm phán ngoại giao về xung đột tại Ukraine vẫn còn mờ mịt.

Cả Nga và Ukraine đều đưa ra những "điều kiện tiên quyết”, vốn được cho là khó có thể chấp nhận đối với bên còn lại.

“Chỉ Ukraine mới xác định thời điểm và cách thức đàm phán với [Nga]. Sẽ không có thỏa thuận nào về Ukraine nếu không có Ukraine. Chúng tôi cảm ơn các đối tác của chúng tôi đã tái khẳng định cam kết của họ đối với lập trường này” - Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho hay.

Mới đây, Điện Kremlin tuyên bố “chiến dịch quân sự đặc biệt vẫn sẽ tiếp tục”. Theo phát ngôn viên Peskov việc Mỹ không công nhận các vùng lãnh thổ mà Nga sáp nhập từ Ukraine hồi tháng 9 đã làm phức tạp thêm các nỗ lực đàm phán và tìm kiếm hòa bình của hai bên. Ông Peskov cũng cho biết Tổng thống Putin từng nhiều lần đề xuất đàm phán nhằm đảm bảo an ninh sâu rộng cho Nga với Mỹ và NATO từ trước khi Moscow thực hiện chiến dịch quân sự tại Kiev, song đều không nhận được sự phản hồi.

Ngoại trưởng Lavrov từng đưa ra hai điều kiện mà phương Tây cần đồng ý để cuộc đàm phán thành công, đó là (1) phương Tây cần cân nhắc đến lợi ích và an ninh của Liên bang Nga; (2) phương Tây sẽ phải đưa ra các cách tiếp cận nghiêm túc giúp xoa dịu căng thẳng. Mặt khác, phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, ông Lavrov nói rằng phía Ukraine từ chối đàm phán và đưa ra những điều kiện “phi thực tế và không đầy đủ”.

Bên cạnh đó, dòng vũ khí và nguồn tiền tài trợ từ các nước phương Tây vẫn liên tục chảy vào Ukraine bất chấp sự phản đối từ phía Nga, vốn là điều mà nước này coi là "không thể chấp nhận được". Tổng thống Putin nhấn mạnh việc phương Tây viện trợ cho Kiev khiến Ukraine từ chối đàm phán.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Efrem Lukatsky/AP

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Efrem Lukatsky/AP

Trong khi đó, lập trường chính của Ukraine là nước này chỉ ngồi vào bàn hoà đàm với Nga khi Moscow rút toàn bộ lực lượng và đảm bảo khôi phục toàn vẹn lãnh thổ Ukraine. Phát biểu trực tuyến tại Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Zelensky nhắc đến kế hoạch hòa bình mới gồm 10 điểm mà theo ông hoà bình có thể đạt được, trong đó đáng chú ý là yêu cầu rút hoàn toàn quân đội Nga khỏi lãnh thổ Ukraine và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của nước này, bồi thường thiệt hại, và cung cấp các bảo đảm an ninh hiệu quả cho Ukraine.

Ông Zelensky cũng đề xuất các cuộc đàm phán với Điện Kremlin nên diễn ra công khai chứ không phải “sau các cánh cửa đóng kín” vì “Nga đang tiến hành một cuộc chiến công khai” với Ukraine.

Tương tự, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ngày 22-11 khẳng định sẽ không có bất kỳ đề xuất chấm dứt cuộc chiến được thảo luận sau lưng Ukraine cũng như sẽ không có một quyết định nào được đưa ra theo cách đó, theo Ukrinform.

Phát biểu tại Diễn đàn an ninh quốc tế Halifax hôm 18-11, Tổng thống Zelensky bác bỏ về một thỏa thuận ngừng bắn ngắn hạn vì cho rằng điều đó giúp Nga khôi phục sức mạnh. "Một nền hòa bình thực sự, kéo dài và trung thực chỉ đạt được qua việc xóa bỏ hoàn toàn hành động gây hấn của Moscow” - ông cho hay.

Về phía phương Tây, dù ủng hộ đàm phán nhưng ông Biden ra điều kiện rằng đàm phán chỉ có thể được thực hiện sau khi Nga rút quân khỏi Ukraine. Còn Đại sứ Mỹ tại NATO Smith nhấn mạnh rằng chính Tổng thống Zelensky mới là người thiết lập các điều kiện cho bất kỳ cuộc đàm phán nào, theo hãng TASS.

Có thể thấy vấn đề ngoại giao kết thúc xung đột Nga-Ukraine vẫn bế tắc.

Mùa đông - vũ khí có thể đe doạ tính mạng người dân Ukraine

Việc Nga đã mở đợt tấn công tên lửa quy mô lớn vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, khiến cho hàng triệu triệu người Ukraine phải sống trong cảnh mất điện, theo hãng tin Al Jazeera.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng những cuộc tấn công nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng như trên có nghĩa nhiều người dân Ukraine sẽ phải đối mặt với tình huống đe dọa mạng sống nghiêm trọng trong mùa đông này, khi nhiệt độ ở các vùng của Ukraine dự báo sẽ giảm mạnh xuống dưới -20°C.

Giám đốc WHO khu vực châu Âu, Tiến sĩ Hans Henri P Kluge, dự đoán sẽ có khoảng 2-3 triệu người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa để tìm kiếm nơi trú ẩn ấm hơn. Ông nói: “Cuộc khủng hoảng năng lượng tàn khốc, tình trạng khẩn cấp về sức khỏe tinh thần, những hạn chế đối với việc tiếp cận nhân đạo và nguy cơ nhiễm bệnh truyền nhiễm sẽ khiến mùa đông năm nay trở thành một thử thách cho hệ thống y tế và người dân Ukraine".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm