Trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, tại hầu hết các đô thị ở nước ta, nhiều người chọn nuôi chó, nhất là nuôi chó cảnh, xem chúng như thành viên trong gia đình. Với các gia đình thuộc diện kinh tế khá giả thì thường họ chọn nuôi các giống chó nhập ngoại, hiếm, “độc” và nét chung là những con chó này rất đắt tiền, có khi lên tới cả mấy chục triệu, trăm triệu/1 con. Còn những gia đình có mức sống bình thường, hoặc cả thậm chí là nghèo đi nữa thì thường nuôi chó ta, chó “cỏ”, hoặc chó giống ngoại nhưng có giá mềm, không quá đắt, khi chỉ dăm ba triệu là có thể mua được một con…
Như chúng ta đã biết, không giống như ở làng quê khi những con chó thường chạy nhảy, rồi rồi ra đồng, ra vườn để… đi vệ sinh, nhiều chủ nuôi thường chọn cách dẫn chúng đi ra vườn hoa, công viên rồi tiện thể để chúng đi vệ sinh luôn.
Khi các gia đình tại đô thị nuôi chó nhiều đã dẫn tới một thực tế đáng buồn, đó là: nhiều vườn hoa, công viên, khoảng đất trống, không gian công cộng tại các đô thị trở nên ô nhiễm bởi phân và nước tiểu của chó vương vãi, bốc mùi khắp mọi nơi!
Nếu ai đã từng có mặt ở một khu vực vườn hoa, công viên tại bất cứ một đô thị nào đó ở nước ta, vào khoảng thời gian sáng sớm và buổi chiều tối hàng ngày, hẳn sẽ trông thấy rất nhiều người dân đi tập thể dục, đi dạo và tiện thể họ dắt theo chó cưng để chúng đi vệ sinh. Việc chó đi vệ sinh tại các bãi cỏ, gốc cây đôi khi có thể không ảnh hưởng nhiều tới mọi người, nhưng khi các con chó “vô ý” phóng uế ngay tại các lối đi dạo, quanh các ghế đá trong vườn hoa, công viên, hay trên đường, mà bất cứ ai đó do không để ý mà vô tình giẫm phải thì sẽ khó tránh khỏi những bực bội…
Để ngăn ngừa hiểm hoạ chó cắn người, cũng như gây tình trạng ô nhiễm môi trường, như tôi biết thì Ban quản lý Công viên Tao Đàn ở TP.HCM đã từng ra quy định “không dắt chó vào công viên” từ nhiều năm nay, thông qua các tấm bảng được treo, đặt tại các cổng ra- vào. Do đó, dù muốn hay không thì mọi người cũng đều phải tuân thủ quy định đó, vì thế tuyệt nhiên công viên không hề có bóng dáng của những con chó xuất hiện bên trong, và nó cũng đồng nghĩa với môi trường của khu công viên này luôn rất sạch sẽ…
Từ thực tế cũng như hiệu quả thu được ở Công viên Tao Đàn tại TP.HCM như đã nêu, theo tôi chính quyền ở tất cả các đô thị ở nước ta cũng nên đề ra quy định cấm dắt chó vào vườn hoa, công viên để ngăn ngừa hiểm hoạ chó cắn người, cũng như giữ vệ sinh môi trường cho không gian tại những nơi công cộng đó luôn sạch sẽ.
Hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng bị phạt tiền 1-2 triệu đồng (theo khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020). Còn nếu chủ nuôi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng thì bị phạt với mức phạt từ 300.000 đến 500.000 đồng (theo Nghị định 144/2021).
Quy định rõ có, chính quyền cứ xử phạt nghiêm thì mới mong chấm dứt tình trạng này.