CHỦ TỊCH NƯỚC TRƯƠNG TẤN SANG:

Cam kết đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã yêu cầu như thế tại buổi làm việc với Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương và các sở, ngành chiều 17-5. “Với những người ngoan cố cần phải trừng trị đích đáng, bởi thiệt hại vật chất có thể đo đếm được, còn thiệt hại lòng tin thì không thể đo đếm được. Dân tộc này là dân tộc anh hùng thì cách hành xử cũng phải anh hùng” - Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước nhìn nhận: Đây là sự việc đáng tiếc, ngoài ý muốn nhưng đã gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp (DN) và người lao động bị ảnh hưởng. Hậu quả để lại của vụ việc vừa qua rất nặng nề, ảnh hưởng niềm tin nhà đầu tư và công ăn việc làm của công nhân. Đây là điều không thể chấp nhận được.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm một doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài tại KCN Việt Nam-Singapore đang khôi phục sản xuất. Ảnh: P.ĐIỀN

Chủ tịch nước nhấn mạnh khi Tổ quốc gặp khó khăn, phương hại đến chủ quyền thì cách hành xử bảo vệ chủ quyền là quyền của công dân nhưng lợi dụng hành động này để đập phá là không thể chấp nhận được. “Bởi cách hành xử như vậy các nhà đầu tư sẽ hiểu như thế nào về chính sách của Đảng và Nhà nước. Vì vậy cần phải ngăn chặn cho được những hành động quá khích” - Chủ tịch nước nói và yêu cầu lãnh đạo tỉnh Bình Dương cần phải khẳng định cho các nhà đầu tư nước ngoài thấy rằng chính sách của Đảng, Nhà nước nhất quán không có gì thay đổi. Chính họ là bộ phận cấu thành quan trọng trong nền kinh tế nhiều thành phần của Việt Nam.

Chủ tịch nước cũng lưu ý ưu tiên hàng đầu của Bình Dương lúc này là khôi phục lại sản xuất, động viên người lao động quay lại làm việc, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, thu hút các nhà đầu tư mới. Phải thể hiện Việt Nam là điểm đến an toàn của các nhà đầu tư.

Báo cáo nhanh UBND tỉnh Bình Dương cho biết: Hành động tuần hành biểu thị lòng yêu nước phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển chủ quyền Việt Nam mang tính tự phát. Lúc đầu khá ôn hòa, sau đó mới bùng phát các hành động quá khích, đập phá hàng rào, đập phá tài sản DN, hành hung người lao động, chống người thi hành công vụ. “Sự việc có tính tổ chức, lợi dụng. Hiện cơ quan điều tra đang làm rõ” - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung cho hay.

Theo ông Cung, tỉnh đã lập ban chỉ đạo phối hợp cùng DN đánh giá, phân tích tình hình thiệt hại. Thứ sáu tuần sau sẽ có đánh giá sơ bộ trên cơ sở đó để tính toán phương án hỗ trợ kịp thời. “Đối với các DN bị thiệt hại nhẹ, hiện 70% trong số đó đã hoạt động trở lại. Riêng các DN thiệt hại nặng, chủ DN bỏ về nước, tỉnh đang mời gọi họ quay lại làm việc, theo đó các chủ DN cho biết sẽ quay lại Việt Nam vào thứ Hai tuần tới” - ông Cung cho hay.

Để hỗ trợ các DN, lấy lại niềm tin nhà đầu tư, ông Cung nêu các giải pháp thuộc thẩm quyền tỉnh như miễn thuế thuê đất, miễn thuế thu nhập DN. Bên cạnh đó tỉnh đã tích cực kết nối tìm kiếm việc làm cho công nhân, kéo dài thời gian đăng ký hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp lên năm tháng, thay vì ba tháng như hiện tại. “Trung ương cần có chính sách hỗ trợ tương xứng với các DN bị thiệt hại, khoanh nợ, tiếp tục cho DN vay để giải quyết các đơn hàng tồn đọng…” - ông Cung kiến nghị.

PHONG ĐIỀN

 

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương xin lỗi

Tại buổi làm việc với Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung nói: “Tôi xin thay mặt lãnh đạo tỉnh Bình Dương xin lỗi trước Trung ương Đảng, Nhà nước, Chính phủ, trước Chủ tịch nước, do tình hình diễn biến quá nhanh đã gây thiệt hại không nhỏ cho đất nước. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương xin nhận thiếu sót này trước Chủ tịch nước, mà đứng đầu là bí thư Tỉnh ủy và chủ tịch UBND tỉnh. Xin hứa với Chủ tịch nước, tỉnh Bình Dương dùng mọi biện pháp ngăn chặn không cho tình trạng này tái diễn và đảm bảo ổn định sản xuất sớm nhất để ổn định tình hình kinh tế đất nước và lấy lại hình ảnh của tỉnh Bình Dương”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm