Ngày 10-12, UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum phối hợp với Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM tổ chức hội thảo Xây dựng bảo vệ, phát triển thương hiệu sâm Việt Nam - sâm Ngọc Linh nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tiễn.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã trồng sâm Ngọc Linh và người dân trên địa bàn.
Theo GS. TS Trần Công Luận, Hiệu trưởng trường Đại học Tây Đô, nguyên Giám đốc Trung tâm sâm và dược liệu TP.HCM, sâm Ngọc Linh từ cây thuốc giấu của đồng bào Xơ Đăng ở vùng núi Ngọc Linh, nay đã trở thành “quốc bảo”, mang lại giá trị cao.
Từ đây, xuất hiện nhiều vấn đề liên quan bảo tồn nguồn gene, thương hiệu, chất lượng sâm Ngọc Linh. Khó khăn nhất là nhiều giống sâm có hình dáng tương tự sâm Ngọc Linh nhưng không rõ nguồn gốc đã gây ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm quốc gia.
“Sau hơn 50 năm được phát hiện, sâm Ngọc Linh được công nhận là quốc bảo của đất nước và đang vươn tầm ra thế giới. Tuy nhiên, đến nay mới có 65 công trình nghiên cứu được công bố; điều này vẫn còn khiêm tốn so với sâm Triều Tiên” - GS. TS Trần Công Luận nói.
Nhiều ý kiến cho rằng để bảo tồn, phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh cần nhìn từ góc độ lợi ích của người dân, nhà nước, nhà doanh nghiệp để hướng tới bền vững. Đồng thời, cần có những nghiên cứu, phát hiện những giá trị có lợi từ sâm Ngọc Linh, điển hình như hợp chất MR2 có tác dụng tốt để giảm stress, trầm cảm.
GS. TS Nguyễn Minh Đức, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, cho rằng trên cơ sở các dẫn chứng lịch sử, khoa học, thực tế, cần phải định vị sâm Việt Nam – sâm Ngọc Linh thương hiệu quốc gia để có chiến lược bảo vệ, phát triển phù hợp.
Hàng ngàn gia đình thoát nghèo nhờ sâm Ngọc Linh
Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, địa phương này có hơn 2.800 ha sâm Ngọc Linh. Trong 5 năm qua, cây dược liệu quý này đã góp phần xóa đói, giảm nghèo cho gần 2.000 hộ dân; có hộ thu nhập hàng chục tỉ đồng mỗi năm.
Tại hội thảo đã diễn ra lễ ký kết thành lập Viện nghiên cứu sâm Ngọc Linh tại TP.HCM; lễ ký kết hợp tác nghiên cứu khoa học giữa nhóm nghiên cứu Trường Đại học Tôn Đức Thắng với Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum.