Sau hơn một năm xây dựng, nhà máy đốt rác thải sinh hoạt - phát điện tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ dự kiến sẽ khánh thành vào ngày mai, 8-12. Nhà máy do Công ty TNHH Everbright International (Trung Quốc) làm chủ đầu tư và pháp nhân tại Việt Nam của chủ đầu tư lập để quản lý vận hành nhà máy là Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ.
Song song với tin vui này, dư luận cũng quan tâm về công nghệ xử lý rác của nhà máy và liệu việc xử lý rác có đảm bảo môi trường?
An tâm công nghệ xử lý rác
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, khẳng định: “TP an tâm về công nghệ xử lý rác mà nhà máy sử dụng. TP đã đi tham quan rất nhiều nhà máy xử lý rác ở trong và ngoài nước nhưng chưa có nhà máy nào bằng nhà máy ở Cần Thơ vì được đầu tư bài bản, sử dụng công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện của Cần Thơ. Vấn đề môi trường được bảo đảm tuyệt đối”.
Bà Nguyễn Kim Hoàng, Trưởng phòng Hạ tầng, Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cũng khẳng định nhà máy áp dụng công nghệ xử lý rác độc quyền của Everbright. Trong đó nhà máy có sử dụng một số thiết bị nhập, đảm bảo phù hợp với tình trạng rác của Việt Nam cũng như rác của Trung Quốc.
Về việc giám sát môi trường khi nhà máy đi vào hoạt động, bà Hoàng cho biết Bộ TN&MT có ủy quyền cho Tổng cục Môi trường cùng Sở TN&MT giám sát các chỉ tiêu liên quan đến môi trường. Hiện nhà máy đã xây dựng trạm quan trắc. Tất cả chỉ tiêu về không khí, khói bụi, môi trường đều được thể hiện online và gửi về cho các đơn vị chủ quản theo dõi, tần suất là 15 phút/lần. “Trong quá trình vận hành thử, qua kiểm tra thì các chỉ tiêu, thông số đều đạt yêu cầu, dưới ngưỡng cho phép” - bà Hoàng thông tin.
Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt - phát điện tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ trước giờ khánh thành. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Băn khoăn xử lý tro chưa đồng bộ
Đối với công tác xử lý tro xỉ sau đốt rác, Phó Chủ tịch UBND TP Đào Anh Dũng cho biết: Theo báo cáo của nhà máy thì hiện trung bình nhà máy cho ra bốn tấn tro xỉ/ngày. Tro xỉ được phân ra làm hai loại, loại có thể sử dụng tái chế làm vật liệu xây dựng không nung thì được nhà máy lấy. Còn loại tro xỉ có lẫn các vật liệu không đốt được thì nhà máy sẽ đem đốt. Tất cả tro xỉ được đưa vào khu xử lý riêng và lấy mẫu kiểm tra chất lượng để đảm bảo về môi trường. Hiện nhà máy cũng được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép sử dụng tro xỉ sản xuất vật liệu xây dựng.
1.050 tỉ đồng là tổng mức đầu tư nhà máy đốt rác thải sinh hoạt - phát điện tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Nhà máy có diện tích 5,3 ha, công suất xử lý 400 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, rác được biến thành điện với công suất 150.000 kWh/ngày, sau đốt rác chỉ còn 5% tro xỉ chôn lấp. |
Còn về tro bay thì nhà máy cho ra khoảng 10-12 tấn/ngày. Theo hợp đồng ký kết thì TP Cần Thơ sẽ phụ trách xử lý phần này. Tro bay sẽ được nhà máy đóng bao, sau đó đưa vào kho chứa chờ xử lý. Hướng của TP là sẽ chôn lấp lượng tro bay này.
Tuy nhiên, thông tin thêm, ông Dũng cho biết TP cũng đang tìm đối tác tận dụng nguồn tro bay này. “Hiện một công ty xi măng đã lấy mẫu tro bay đi kiểm định. Nếu đảm bảo chất lượng thì họ sẽ lấy để phục vụ việc sản xuất của công ty, TP không cần phải đầu tư khu chôn lấp” - ông Dũng cho biết.
Đặt câu hỏi về việc tại sao không làm đồng bộ khu xử lý tro xỉ, tro bay song song với nhà máy đốt rác, bà Hoàng lý giải: “Về bản chất thì đây là nhà máy đốt rác - phát điện chứ không phải quản lý chất thải nguy hại. Chúng ta không thể đưa hai tính chất khác nhau vào cùng một dự án. Hơn nữa, ban đầu cũng chưa biết chất lượng tro xỉ thế nào, có tận dụng được không hay phải chôn lấp”.
Phóng viên đã liên hệ với Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB để tìm hiểu thêm về công nghệ ứng dụng và công tác bảo vệ môi trường trong quá trình xử lý rác. Tuy nhiên, phía công ty cho biết lãnh đạo đang chuẩn bị công tác khánh thành nhà máy vào ngày 8-12 nên yêu cầu gửi lại nội dung cần trao đổi và sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất.
Cần Thơ tổ chức phân loại rác tại nguồn Theo tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM, để cung ứng rác cho nhà máy hoạt động, Sở Xây dựng TP Cần Thơ đã ban hành kế hoạch thực hiện thu gom và phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP Cần Thơ. Kế hoạch trên được thí điểm từ tháng 9-2017, đến tháng 3-2018 trở về sau việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được triển khai rộng trên các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và huyện Thới Lai. Theo đó, rác sinh hoạt được phân loại theo ba tiêu chí: chất thải rắn sinh hoạt không đốt được (kim loại, rác xây dựng, thủy tinh, gốm sứ...), chất thải rắn nguy hại (pin, thiết bị điện tử, bóng đèn, bình ga, bình ắcquy...), chất thải rắn sinh hoạt đốt được. |