Cần Thơ muốn thay thế hơn 100 km đường ống nước lâu đời

Chiều 3-3, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ họp tổng kết chuyến công tác với đoàn Ngân hàng Thế giới (WB) về Dự án tích hợp nước an toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Ông Lê Duy Hưng - đồng trưởng đoàn công tác của WB làm việc tại Cần Thơ chiều 3-3. Ảnh: NHẪN NAM

Ông Lê Duy Hưng - đồng trưởng đoàn WB cho biết qua hai ngày làm việc với các sở, ngành của TP Cần Thơ, đoàn đã tổng hợp được bốn đề xuất của TP. Thứ nhất là cải tạo mạng lưới và thay thế các tuyến ống lâu đời (với chiều dài khoảng 56 km) để giảm thất thoát thu và cải thiện chất lượng nước thông qua việc điều tiết áp lực nước ở vùng phục vụ của Công ty CP cấp nước Cần Thơ 1 (tương đương 10 triệu USD).

Hai là, cải tạo mạng lưới và thay thế các tuyến ống lâu đời (với chiều dài 47 km) để giảm thất thoát thất thu, trạm bơm tăng áp để tối ưu hóa phân phối trong vùng phục vụ của Công ty CP cấp nước Cần Thơ 2...

Ba là, cải tạo tuyến ống truyền tải và tuyến ống cấp 1 để cải thiện chất lượng nước, giúp các hộ nông thôn tiếp cận dịch vụ cấp nước trong vùng phục vụ của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (tương đương 5 triệu USD).

Bốn là, nâng công suất của Nhà máy xử lý nước thải Cái Sâu từ 30.000 m3/ngày lên 60.000 m3/ngày, bao gồm mạng lưới cống và mạng lưới thu gom để tăng độ bao phủ và chất lượng dịch vụ vệ sinh môi trường và bảo vệ tài nguyên nước (khoảng 45 triệu USD).

Ông Hưng cho biết đối với đề xuất thứ tư, do độ bao phủ của nhà máy xử lý nước thải còn thấp và tác động của việc nâng công suất là rất cao, vì vậy đoàn công tác nhận thấy đây là đề xuất mang tính quan trọng đối với sự phát triển bền vững của TP. Do đó đây có thể là đề xuất mang tính ưu tiên hơn.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng đề nghị các đơn vị tiếp tục rà soát xem TP nên ưu tiên vấn đề nào trong số bốn đề xuất đã nêu. Ảnh: NHẪN NAM

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho biết về phía TP, từ trước đến nay cũng đặt ra cho Bộ Xây dựng và WB một số vấn đề về dự án này, đó là cơ chế cho vay. Vì vấn đề cấp nước sạch cho ĐBSCL (bảy tỉnh, TP) nhưng đa phần nằm trong phạm vi nông thôn, đô thị ít và lượng cấp nước cơ bản đảm bảo.

Đối tượng chủ yếu của tiểu dự án là người dân nông thôn, rất cần nước sạch. Hiện nay tác động biến đổi khí hậu thì cũng là người dân nông thôn chịu nhiều hơn đô thị. Do đó người nông thôn không thể tính giá kinh doanh như đô thị. Vì thế, tính hiệu quả kinh tế nhưng cũng phải xem xét tính thiết thực đến đời sống người dân khi đầu tư vào vấn đề này.

Từ đó, ông Dũng đề xuất đoàn công tác của WB nên xem xét một cơ chế cho vay đặc biệt cho loại hình đầu tư này.

Ngoài ra, ông Dũng cũng cho rằng do dự án có nhiều đối tượng thụ hưởng, như nhiều tỉnh, thành tham gia và mỗi tỉnh thành lại có nhiều đơn vị tham gia. Do đó, WB cần tính toán làm sao để dự án thông suốt, không bị ảnh hưởng khi có một đơn vị chậm hay có vấn đề gì đó.

“Các đơn vị rà soát lại xem TP nên tập trung ưu tiên vào cái gì và cần vay là bao nhiêu. TP cũng sẽ rà soát cùng các đơn vị rồi tổng hợp đăng ký với Bộ Kế hoạch đầu tư, trên cơ sở đó làm việc với WB” - ông Dũng cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm