Ngày 2-5, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ cùng các Sở, ngành đi kiểm tra thực tế và tìm ra nguyên nhân để có giải pháp khắc phục hậu quả vụ sạt lở bờ sông xảy ra ngày 24-4 tại quận Ô Môn khiến 11 ngôi nhà bị ảnh hưởng.
Hiện trường sạt lở bờ sông ở Ô Môn - Ảnh: CẨM GIANG.
Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam Nguyễn Nghĩa Hùng cho biết: Bước đầu đơn vị đã xác định nguyên nhân sơ bộ là do nơi sạt lở có vị trí dòng chảy lớn nên bờ sông bị xói mòn mạnh; nằm ở vị trí kế tiếp điểm sạt lở năm 2018 và việc sạt lở đã tạo ra vết nứt ở trong nội hàm của vùng lân cận; hố xối có xu hướng dịch chuyển về hạ lưu làm mất ổ dịch mái bờ,… Đồng thời, công trình xây dựng bờ kè sông Ô Môn được xây dựng trên nền đất rất yếu, cục bộ bất thường.
Cũng theo ông Hùng, do địa chất yếu nên phải tăng bản tường bờ kè lên 5 m, chiều dài cọc 30 m từ đó kéo theo kinh phí sẽ tăng lên 8,4 tỉ đồng. Trong khi thi công cần phải kiểm tra thường xuyên địa hình lòng, mái sông để có biện pháp hợp lý vì khu vực này diễn biến lòng đất rất phức tạp và địa chất yếu; không nên làm với tốc độ quá nhanh mà cần có thời gian để cho đất bờ, hạ tầng công trình phủ kết,…
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam sau 10 ngày phải có báo cáo hoàn chỉnh khảo sát, đánh giá nguyên nhân sạt lở và có đưa ra kinh phí dự kiến phát sinh. Tiếp tục cảnh báo nguy hiểm và không cho người dân đến khu vực này, vận động di dời người dân nằm trong khu vực nằm trong khu vực hiểm. Cố gắng làm sao công trình đúng tiến độ nhưng phải đảm bảo chất lượng, bền vững.
Kết thúc buổi khảo sát thực tế và nghe báo cáo tham vấn của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, ông Võ Thành Thống – Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã đưa ra một số yêu cầu: Qua báo cáo sơ bộ của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, kết cấu địa tầng rất phức tạp, cho nên UBND TP yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tiếp tục khảo sát, đánh giá chính xác nguyên nhân và từ đó tìm ra giải pháp khắc phục.
"Phải làm sao cho dự án hoàn thành đúng kế hoạch trước mùa lũ về nhưng phải đảm bảo bên vững và an toàn cho người dân. Yêu cầu đơn vị tư vấn trong 10 ngày có đánh giá hoàn chỉnh để các đơn vị có liên quan tiến hành các bước tiếp theo nhằm hoàn thành công trình đúng theo tiến độ", ông Thống nói.
Sạt lở ăn sâu vào nhà dân - Ảnh: CẨM GIANG.
Khi biết có đoàn kiểm tra đến khảo sát thực tế, ông Trần Văn Mười Lớn (83 tuổi, phường Thới An, quận Ô Môn) cho biết, nhà ông thuộc khu vực bị sạt lở nhưng do nhà nằm sâu bên trong nên vụ sạt lở vừa rồi đã làm cho nền nhà đã bị nứt.
“Sáng ngủ dậy mở mắt ra mà thấy nhà còn nguyên là mừng rồi. Tôi mong nuốn chính quyền sớm khắc phục, hỗ trợ để người dân an tâm ổn định cuộc sống. Sống trong khu vực này ngày nào cũng hồi hộp và lo sợ vì không biết sạt lở lúc nào” – ông Mười Lớn nói.
Còn với bà Trương Thị Bông (60 tuổi) kể: “Đêm đó đang ngủ thì nghe rầm rầm, không hiết chuyện gì xảy ra. Bà đi ra ngoài xem có chuyện gì thì thấy nhiều ngôi nhà bị sập đổ”.
Sáng hôm sau, lực lượng công an di dời đồ đạc và đưa bà đến nơi ở khác để an toàn hơn. “Mong chính quyền sớm làm bờ kè chắc chắn để không bị sạt lở nữa chứ thế này hoài tôi không biết ở đâu nữa. Từ ngày bị sạt lở, tôi phải đi ở nhờ nhà người bà con” – bà Bông cho biết.
Như PLOđã đưa tin, vào khoảng 3 giờ 10 phút ngày 24-4, vụ sạt lở bờ kè sông Ô Môn (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) làm 11 căn nhà bị ảnh hưởng. Theo đó, vụ sạt ăn sâu vào trong 5 m và dài 60 m.