Theo hãng tin CNN, Ủy ban Tư pháp Hạ viện ngày 23-12 đã gửi yêu cầu tòa phúc thẩm liên bang ra trát buộc cựu Cố vấn pháp lý Nhà Trắng Don McGahn ra làm chứng. Động thái được cho là nhằm mở rộng điều tra cáo buộc Tổng thống Trump cố tình cản trở cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller.
“Canh bạc” mới của đảng Dân chủ
Trong đề nghị gửi tòa án, các luật sư của Ủy ban Tư pháp Hạ viện nói rằng việc ông McGahn ra làm chứng vẫn là cần thiết ngay cả khi Hạ viện đã bỏ phiếu luận tội ông Trump. Theo đó, hai điều khoản luận tội trên chỉ liên quan đến việc ông Trump gây sức ép với Ukraine, trong khi chưa đề cập đến việc ông Trump cản trở cuộc điều tra của ông Mueller.
“Nếu điều trần của ông McGahn có thể đưa ra bằng chứng mới củng cố cho kết luận Tổng thống Trump đã mắc những sai phạm đáng bị luận tội mà chưa bao gồm các điều khoản được Hạ viện thông qua, khi đó, nếu cần thiết ủy ban sẽ cân nhắc đề xuất các điều khoản luận tội mới” - Ủy ban Tư pháp Hạ viện cho biết.
Ngoài ra, ủy ban này cũng khẳng định lời khai của ông McGahn sẽ làm sáng tỏ việc liệu Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Bộ Tư pháp có hoạt động độc lập hay bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị nào không trong quá trình điều tra của cựu Công tố viên đặc biệt Mueller. Bộ Tư pháp mới đây đã yêu cầu tòa phúc thẩm bác bỏ yêu cầu trên, với lý do người của bộ này không có việc gì để can thiệp “một tranh chấp mang tính chính trị như vậy” nhưng Ủy ban Tư pháp Hạ viện không đồng tình.
Tính đến ngày 24-12, Hạ viện vẫn chưa chuyển các điều khoản luận tội cho Thượng viện để chính thức bắt đầu phiên luận tội ông Trump. Nhận định về điều này, GS luật Lawrence Tribe thuộc ĐH Harvard (Mỹ) cho rằng phe Dân chủ Hạ viện đang tỏ ra thận trọng trong bối cảnh khả năng bãi nhiệm ông Trump hiện tại vẫn còn quá thấp. Việc bà Nancy Pelosi cùng các cộng sự bất ngờ khơi lại cuộc điều tra của ông Mueller cũng là một bước đi nhằm gia tăng cơ hội thành công.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerry Nadler trong một phiên làm việc của ủy ban này hồi tháng 9-2019. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
“Lựa chọn này (đưa điều khoản luận tội cho Hạ viện) cần được thực hiện một cách thật cân nhắc khi mà hiện tại, lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell đã tuyên bố ý định của ông là không tổ chức một phiên xét xử thực sự mà là một phiên minh oan. Qua đó, Tổng thống Donald Trump và đội ngũ pháp lý của ông sẽ nắm thế chủ động” - ông Tribe cho biết.
Dù vậy, một số chuyên gia lại đưa ra một số đánh giá bi quan khi khẳng định việc Hạ viện trì hoãn gửi điều khoản luận tội đang đặt cả tiến trình luận tội vào tình thế sụp đổ hoàn toàn. Theo GS quản trị công Noah Feldman thuộc ĐH Cambridge (Anh), điều đó cho thấy Hạ viện “không thực sự buộc tội tổng thống” vì cho đến lúc các điều khoản được gửi đi, ông Trump vẫn có thể công khai tuyên bố ông hoàn toàn vô tội và khiến nỗ lực của Hạ viện giống một chiêu trò chính trị hơn là một tiến trình điều tra thật sự công tâm.
“Những tổ phụ lập quốc Mỹ khi viết hiến pháp đều xem luận tội là một tiến trình, không phải là một cuộc bỏ phiếu. Cho tới khi Hạ viện gửi điều khoản luận tội tới Thượng viện và tổng thống ra điều trần, việc luận tội vẫn chưa thể kết thúc” - hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Feldman giải thích. Được biết GS Noah Feldman cũng đang là chuyên gia cố vấn pháp lý cho Hạ viện.
Bên cạnh đó, việc trì hoãn kéo dài là một tín hiệu đầy tích cực cho đảng Cộng hòa ở lưỡng viện nói chung. Đồng minh ông Trump sẽ có thêm thời gian để vạch ra các chiến lược bảo vệ Tổng thống Trump và tổ chức các chiến dịch phản truyền thông làm cử tri ủng hộ phe Dân chủ dao động. Hồi 22-12, Chánh Văn phòng phó tổng thống Mỹ Marc Short nói rằng tiến trình luận tội Tổng thống Donald Trump không nên kéo dài “vì người Mỹ đã quá mệt mỏi với sự giả mạo này”.
Tổng thống Trump đã quen với việc bị công chúng soi mói và bị các đối thủ chính trị chỉ trích. Vì vậy, tôi nghĩ cuối cùng ông ấy sẽ làm tốt và đối mặt với phiên luận tội thành công. Thượng nghị sĩ Cộng hòa RAND PAUL |
Một Giáng sinh ấm áp cho ông Trump
Theo đánh giá của nhiều nhà quan sát, với một đất nước đang bị tê liệt bởi sự đấu đá của đảng Dân chủ và Cộng hòa xung quanh bê bối luận tội, ông Trump vẫn có những đột phá đối với các vấn đề quan trọng của nước Mỹ. Trong khi hai đảng vẫn tranh cãi về phiên tòa luận tội tại Thượng viện sẽ diễn ra như thế nào, Tổng thống Trump đang âm thầm tập trung vào các vấn đề quan trọng khác của đất nước.
Ngay trước khi khởi hành tới Florida cho kỳ nghỉ, Tổng thống Trump đã ký gói ngân sách trị giá 1,4 tỉ USD cho tài khóa 2020, giúp chính phủ tránh được nguy cơ phải đóng cửa. Trong tuần qua, Hạ viện Mỹ cũng phê duyệt một thỏa thuận thương mại tự do mới giữa Mỹ - Mexico - Canada, chỉ còn chờ ông Trump phê duyệt.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi mới đây đã đưa ra lời mời ông Trump đọc thông điệp liên bang trước quốc hội vào đầu tháng 2-2020. Đây là một điều khá tích cực đối với một tổng thống mà trước đó vẫn bị các nghị sĩ Dân chủ chỉ trích và luận tội với hai cáo buộc.
Cùng tỉ lệ thất nghiệp chạm đáy và thị trường chứng khoán cao kỷ lục tại Mỹ, đây là cách tốt nhất để ông Trump tái đắc cử. Đảng Dân chủ đã cảnh báo các cử tri Mỹ không nên “ảo tưởng” sự bùng nổ kinh tế của Tổng thống Trump mà bỏ qua thực tế khó khăn khác của đất nước. Tuy nhiên, không thể phủ nhận đây là những yếu tố quyết định giúp con đường tái đắc cử của Tổng thống Trump tại Nhà Trắng vào năm 2020 mở rộng.
Lượng triệu phú ủng hộ ông Trump tăng mạnh Theo khảo sát tháng 12 của đài CNBC, sự ủng hộ của giới thượng lưu dành cho Tổng thống Donald Trump ngày càng tăng. Được biết CNBC đã tiến hành khảo sát với hơn 700 cử tri Mỹ có tài sản trên 1 triệu USD, trong đó có 301 cử tri Cộng hòa, 200 cử tri Dân chủ, 247 cử tri độc lập. Trong đó, gần 36% người tham gia nói rằng sẽ ủng hộ ông Trump, tăng so với tỉ lệ 32% hồi tháng 5. Khoảng 50% người được hỏi tin rằng ông Trump là lựa chọn tốt cho nền kinh tế Mỹ, trong khi chỉ 30% đánh giá ứng viên Joe Biden sẽ mang lại những tín hiệu tích cực hơn. Đáng chú ý, hơn 60% khẳng định ứng viên Bernie Sanders và Elizabeth Warren sẽ gây hại cho kinh tế Mỹ. |