Bởi nhà thơ cảm nhận: dù là trực tiếp mô tả thân phận của những nông dân bị mất đất rừng, đất ruộng ở Cà Mau, Long An, Đồng Nai hay viết về mối tình vu vơ thuở ấu thơ của mình trên cánh đồng còn thơm mùi rạ... cũng đều hiện rõ một hình ảnh sống động được đặt trên cái nền đất đai thân thuộc nhưng luôn tiềm ẩn biết bao điều bất an tội nghiệp...
Cũng như các cuốn sách trước (Nỗi niềm U Minh Hạ, Đồng cỏ chát, Thế giới người điên), Canh bạc của Võ Đắc Danh vẫn sử dụng cách kể chuyện mộc mạc, không sang trọng, chữ nghĩa theo lối bolero để dẫn dắt bạn đọc đến với những nhân vật có thật giữa đời thường - thân phận gắn chặt với đất. Một Hai Trung sau khi bán và cầm cố đất của mình cho bốn đứa con ăn học thành tài đã phải thốt lên: “Tôi may mắn hơn nhiều người khác vì mình còn có đất để bán” (Lấy táo đong chữ); có những thân phận bị mất đất hóa điên dại và làm cho người còn tỉnh táo phải lảm nhảm những câu cay đắng: “Ba mươi năm trước, tao về đây giải phóng Sài Gòn. Bây giờ người ta không cần tao nữa nhưng người ta cần đất của tao. Đất của tao có giá hơn tao...” (Trên đồng bưng sáu xã)...
Sách dày 359 trang (ảnh), chia làm hai phần. Phần đầu là của tác giả; phần sau là những người bạn “nói xấu, moi móc” về anh và ngã ngửa ra rằng: tác giả viết về thân phận của người nông dân, người nghèo thành thị... là để trả nợ quê nhà, vì như chính tác giả thừa nhận: “Tôi là người nông dân cầm bút”. Sách in tại NXB Trẻ, có bán tại các nhà sách.
VI TRẦN