Hong Kong vừa trải qua cuối tuần biểu tình thứ 19 trong đợt biểu tình liên tục hơn bốn tháng qua, xuất phát từ việc phản đối dự luật dẫn độ cho phép dẫn giải nghi phạm sang xét xử tại các lãnh thổ Hong Kong không ký hiệp ước dẫn độ, trong đó có Trung Quốc đại lục.
Dù chính quyền đã có lệnh cấm mang khẩu trang che mặt khi đi biểu tình nhưng phần lớn người biểu tình cuối tuần rồi vẫn đeo khẩu trang che mặt, báo SCMP đưa tin.
Trong cuộc họp báo ngày 14-10, cảnh sát Hong Kong cho biết trong cuộc biểu tình ngày 13-10 lần đầu tiên có hiện tượng người biểu tình dùng đến bom tự chế và mục đích của việc này là để làm bị thương cảnh sát.
Cảnh sát Hong Kong họp báo về biểu tình, ngày 14-10. Ảnh: MEDIACORP
Quả bom tự chế này được điều khiển từ xa và phát nổ gần một xe cảnh sát.
“Chúng tôi cho rằng khối chất nổ này được sử dụng nhằm mục đích làm bị thương nhân viên của chúng tôi. Đây là hành động mang tính nguy hiểm cao có thể gây thương vong nghiêm trọng” - kênh truyền hình CNA dẫn lời người phát ngôn cảnh sát Hong Kong nói tại cuộc họp báo.
Cảnh sát chống bạo động khống chế một nghi can có hành vi bạo lực trong ngày biểu tình 13-10 tại Hong Kong. Ảnh: SCMP
Ngoài quả bom tự chế này, trong ngày 13-10 người biểu tình cũng đã dùng tới một số lượng lớn bom xăng. Một trạm cảnh sát bị ném tới khoảng 20 quả bom xăng. Một cảnh sát bị đâm vào cổ bằng dao cắt giấy. Hai nghi can bị bắt tại hiện trường.
Theo lời cảnh sát thì những hành động này “đã vượt qua mọi giới hạn đạo đức”.
Một chi nhánh ngân hàng Trung Quốc tại Hong Kong bị phóng hỏa, phá phách, ngày 13-10. Ảnh: SCMP
Bên cạnh tấn công cảnh sát, người biểu tình cũng gây thiệt hại diện rộng với hạ tầng giao thông, phóng hỏa nhiều công trình hạ tầng, cảnh sát cho biết.
Một trung tâm mua sắm bị phá hoại. Ảnh: SCMP
Cảnh sát cho biết họ đã phải dùng tới một chiến lược mới để đối phó, đó là triển khai cảnh sát mặt thường phục ở khu vực các cửa hàng thường là mục tiêu tấn công của người biểu tình. Nhiều người biểu tình bị bắt khi có hành động phá hoại tại các cơ sở này.