Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc thúc Nga điều tra vụ Navalny

Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet hôm 8-9 kêu gọi Nga tiến hành hoặc hợp tác với một cuộc điều tra độc lập về những phát hiện của Đức rằng nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok.

Ông Navalny đã thoát khỏi tình trạng hôn mê và hiện có thể hiểu được lời nói, theo thông báo ngày 7-9 của bệnh viện Charite ở Berlin. Bệnh viện này đã điều trị cho ông Navalny kể từ khi bệnh nhân này được đưa đến Đức sau khi ngã bệnh trên một chuyến bay nội địa Nga hồi tháng trước.

Nga tuyên bố không có bằng chứng cho thấy nhân vật có quan điểm đối kháng với Tổng thống Vladimir Putin này bị đầu độc.

Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet. Ảnh: ABC

“Sẽ không đủ tốt nếu chỉ phủ nhận ông ta bị đầu độc, cũng như phủ nhận sự cần thiết của một cuộc điều tra toàn diện, độc lập, công bằng và minh bạch về vụ việc này” – hãng tin Reuters dẫn lời bà Bachelet nói trong một tuyên bố.

“Nhà chức trách Nga có trách nhiệm điều tra đầy đủ ai là người chịu trách nhiệm cho tội ác này, một tội rất nghiêm trọng đã được thực hiện trên đất Nga” – bà nói tiếp.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết chính phủ của bà đã kết luận rằng ông Navalny, (44 tuổi) đã bị đầu độc bằng Novichok, chất độc mà Anh cáo buộc đã được sử dụng với điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái của ông, cả hai đều sống sót, trong một vụ tấn công ở Anh hồi năm 2018.

Bachelet nói số trường hợp đầu độc, hoặc các hình thức ám hại có chủ đích khác, đối với các công dân Nga hiện tại hoặc trước đây, ở Nga hoặc tnước ngoài, trong hai thập niên qua là “rất đáng lo ngại”.

Phát ngôn viên của bà Bachelet - ông Rupert Colville viện dẫn vụ Skripal và vụ đầu độc nhân vật đào tẩu Nga Alexander Litvinenko - người đã qua đời ở London vào năm 2006 do nhiễm chất độc Polonium-210.

“Đây không phải là những vật liệu mà bạn có thể mua ở hiệu thuốc, cửa hàng nông sản hoặc cửa hàng kim khí” – ông Colville nói về các chất độc Novichok và Polonium-210.

Các quy trình pháp lý phù hợp đã không được thực hiện trong các vụ việc trước đây, dẫn đến việc "gần như hoàn toàn không bị trừng phạt" ở Nga, ông phát biểu thêm.

Nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny. Ảnh: RNZ

Trước đó trong ngày 8-9, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập đại sứ Đức tại Moscow- ông Geza Andreas von Geyr liên quan việc Đức cáo buộc Nga đầu độc nhân vật đối lập Navalny.

Các quan chức ở Đức cho hay họ có bằng chứng ủng hộ cho tuyên bố này. Đáp lại, giới chức Nga cáo buộc chính phủ Đức “lừa bịp”, theo kênh DW.

Cũng trong ngày 8-9, các ngoại trưởng G7 lên án “vụ đầu độc đã được xác nhận” đối với ông Navalny, theo tuyên bố phát đi từ Bộ Ngoại giao Mỹ.

“Chúng tôi, ngoại trưởng G7 gồm các nước Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh, Mỹ cùng Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu đồng lòng lên án vụ đầu độc ông Alexei Navalny vốn đã được xác định này” – tuyên bố có đoạn.

Các ngoại trưởng G7 cũng kêu gọi Nga “nhanh chóng thiết lập sự minh bạch toàn diện về người chịu trách nhiệm cho vụ đầu độc ghê tởm này và xem xét những cam kết của Nga trong Công ước Vũ khí hóa học để đưa thủ phạm ra công lý”.

Hôm 7-9, Liên Hợp Quốc kêu gọi Nga hợp tác trong một cuộc điều tra độc lập về vụ ông Navalny. Điện Kremlin đã phủ nhận mọi liên quan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm