Tên lửa BrahMos được Ấn Độ và Nga hợp tác phát triển đã gây được tiếng vang lớn với một loạt vụ thử thành công gần đây.
Phóng thử thành công tên lửa BrahMos từ tiêm kích độc quyền Su-30MKI
Hôm 19-4, hai biến thể tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos đã chứng tỏ hỏa lực của chúng trong các cuộc thử nghiệm do hải quân và không quân Ấn Độ tiến hành, theo trang EurAsian Times.
Một vụ phóng thử tên lửa BrahMos. Ảnh: THE HINDUSTAN TIMES |
Không quân Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos từ tiêm kích Su-30MKI – biến thể Nga phát triển dành riêng cho Ấn Độ ở bờ biển phía Đông nước này, chứng minh sự sẵn sàng hoạt động của tên lửa.
Không quân Ấn Độ thông báo cuộc bắn thử tên lửa BrahMos được thực hiện với sự hợp tác chặt chẽ với hải quân Ấn Độ. Tên lửa BrahMos đã bắn trúng mục tiêu là một tàu thuộc hải quân Ấn Độ đã ngừng hoạt động với độ chính xác cao, không quân Ấn Độ cho biết.
Hôm 5-3, hải quân Ấn Độ đã bắn thử thành công tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos phiên bản sửa đổi tại Ấn Độ Dương từ tàu khu trục tàng hình INS Chennai.
Năm 2017, Không quân Ấn Độ hoàn thành cuộc thử nghiệm đầu tiên đối với tên lửa hành trình phóng từ trên không BrahMos.
Hải quân Ấn Độ bắt đầu sử dụng BrahMos trên các tàu chiến tiền tuyến của lực lượng này vào năm 2005. Tên lửa này có thể bắn trúng mục tiêu trên biển nằm ngoài đường chân trời radar.
Dù BrahMos đã được thử nghiệm vài lần nhưng người ta vẫn tự hỏi tên lửa này có thực sự giúp thay đổi cuộc chơi trong khu vực hay không?
BrahMos và Su-30MKI kết hợp đem lại cho Ấn Độ một khả năng đến Nga cũng thiếu
Tên lửa BrahMos do công ty BrahMos Aerospace thiết kế, phát triển và sản xuất. Đây là công ty liên doanh do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ và Tập đoàn công nghiệp quân sự Mashinostroyenia của Nga thành lập.
Khoảng hai thập niên trước, năm 2001, phiên bản gốc của BrahMos lần đầu tiên được thử nghiệm. Từ đó, các biến thể khác của tên lửa này được thiết kế, thử nghiệm và giới thiệu, bao gồm các biến thể bắn từ đất liền, tàu chiến, tàu ngầm và các chiến cơ Su-30.
Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos được lắp dưới bụng tiêm kích Su-30MKI. Ảnh: TWITTER |
BrahMos là một trong số ít tên lửa hành trình trên thế giới có khả năng bay tốc độ siêu thanh cao. Tốc độ này khiến việc tấn công hoặc tránh tên lửa này trở nên vô cùng khó khăn. Hơn nữa, tốc độ khủng khiếp của BrahMos khiến nó nguy hiểm hơn đáng kể so với tên lửa hành trình cận âm.
Cựu chỉ huy phi đội Ấn Độ - ông Vijainder Thakur nói: “Hơn cả BrahMos-A (biến thể phóng từ trên không), sự kết hợp giữa Su-30MKI và BrahMos-A mang lại cho không quân Ấn Độ khả năng độc đáo để tấn công rất xa và rất mạnh, một khả năng mà không chỉ các đối thủ của chúng tôi mà thậm chí bạn của chúng tôi, bao gồm Nga đều thiếu”.
Trong một cuộc bay thử được thực hiện tháng 10-2020, một chiếc Su-30MKI của không quân Ấn Độ cất cánh từ căn cứ không quân Halwara ở Pujab và đánh trúng tàu mục tiêu ở Vịnh Bengal sau khi tiếp nhiên liệu trên không.
Là một trong những máy bay nặng nhất thế giới, Su-30MKI có khả năng mang theo tên lửa BrahMos-A. Ngoài Su-30MKI được sửa đổi, không có tiêm kích nào khác trên thế giới có thể mang BrahMos-A. Đây là những gì khiến loại tên lửa này có thể thay đổi cuộc chơi.
BrahMos dài 8,4 m, có thể mang theo tải trọng vũ khí thông thường nặng tới 300 kg, và có tầm bắn hơn 400 km.
Nhờ độ chính xác và sức công phá tuyệt vời, BrahMos có thể di chuyển với tốc độ Mach 2.8 (3.430 km/giờ), gần gấp ba lần tốc độ âm thanh.
Công ty BrahMos Aerospace đã phải giảm trọng lượng của phiên bản trên không xuống còn 2,5 tấn vì tên lửa sẽ được phóng từ một nền tảng đang di chuyển, không như phiên bản trên đất liền và phiên bản hải quân. Phiên bản đất liền và hải quân của tên lửa BrahMos mỗi phiên bản nặng 2,9 tấn. Thiết kế của tên lửa cũng đã được thay đổi để tích hợp vào Su-30MKI được dễ dàng hơn.
Biến thể sát thương nhất của BrahMos là biến thể hải quân, được phóng từ tàu khu trục tàng hình và tàu ngầm do có khả năng né tránh radar. Tuy nhiên, biến thể trên không sẽ cho phép giảm đáng kể thời gian phản ứng trong trường hợp xảy ra xung đột.
Tiêm kích hạng nặng mang tên lửa dưới bụng có thể nhanh chóng hành động và tung đòn. Khi chiếc Su-30MKI được sản xuất cho Ấn Độ với những sửa đổi cần thiết thì nhu cầu trang bị một tên lửa hạng nặng như BrahMos đã được tính đến.
“Su-30MKI có thể cất cánh, thả vũ khí ở khoảng cách rất xa và trở lại căn cứ. Đây là cách có thể giúp thay đổi cuộc chơi cho Không quân Ấn Độ” – Thống chế Không quân Ấn Độ P.K Barbora nói với The EurAsian Times.
BrahMos giúp nâng cao hỏa lực của Ấn Độ
Từ tàu chiến, BrahMos có thể được phóng đi như một đơn vị riêng lẻ hoặc trong một loạt tám đơn vị, với thời gian cách nhau 2,5 giây. Nhóm tên lửa này có khả năng tấn công và tiêu diệt một nhóm mục tiêu được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại.
Tên lửa BrahMos của Ấn Độ được diễu hành khắp thủ đô New Delhi. Ảnh: Kamal Kishore / AGENCIES |
Khả năng tấn công các mục tiêu hải quân ở tầm xa của tàu được tăng cường đáng kể nhờ việc sử dụng tên lửa BrahMos làm vũ khí tấn công chính.
Đầu năm 2022, tàu khu trục INS Visakhapatnam mới được hạ thủy gần đây của hải quân Ấn Độ đã bắn thử thành công biến thể trên biển có tầm bắn được mở rộng của tên lửa BrahMos.
Tàu khu trục tàng hình nội địa INS Chennai và tàu khu trục lớp Rajput INS Ranvijay của hải quân Ấn Độ lần đầu thử nghiệm biến thể hải quân trên lần lượt vào tháng 10-2020 và tháng 12-2020.
Biến thể trên của BrahMos được thiết kế để phóng từ các khí tài tĩnh/đang di chuyển ở chế độ thẳng đứng hoặc nằm ngang, tấn công cả mục tiêu trên đất liền lẫn trên biển.
Theo The EurAsian Times, phải nói rằng việc sử dụng tên lửa BrahMos với các biến thể phóng từ đất liền, trên không và trên biển cung cấp hỏa lực tiên tiến cho quân độ Ấn Độ.