Theo quy định của BLDS năm 2015 và Luật Đất đai 2013, giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất (hay còn được gọi là bán đất) chỉ được thực hiện khi có chữ ký của những người là chủ sở hữu của đất.
Như vậy, để biết khi cha mẹ bán đất có cần ý kiến của con hay không thì phải xác định được ai có quyền sở hữu mảnh đất đó.
Đối với đất cấp cho hộ gia đình
Trường hợp là trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sau đây gọi là sổ đỏ) cấp cho hộ gia đình, mang tên “Hộ ông/bà” thì quyền sử dụng đất đó thuộc sở hữu chung của tất cả các thành viên trong hộ bao gồm cả cha mẹ và các con.
Khi đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Nghị định 43/2014 và khoản 5 Điều 14 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT thì khi cha mẹ muốn bán đất cần có chữ ký của các con được xác định là “thành viên hộ gia đình sử dụng đất”.
Cụ thể, để được xác định là thành viên hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất thì cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình;
- Đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất
Như vậy, nếu con sinh ra sau thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất thì dù là đất cấp cho hộ gia đình thì cũng không có quyền sử dụng đất chung.
Tùy trường hợp mà cha mẹ khi muốn bán đất phải hỏi ý kiến các con. Ảnh: QUANG HUY |
Đối với đất là tài sản chung của vợ/chồng
Trường hợp quyền sử đụng đất là tài sản chung của vợ chồng thì về nguyên tắc khi bán đất không cần ý kiến của con cái, chỉ cần sự đồng ý của những người có tên trên giấy chứng nhận quyền sử đụng đất mà thôi.
Tương tự đối với đất là tài sản riêng của vợ hoặc chồng thì khi bán không cần sự đồng ý của người còn lại.