Cháy tiệm sửa xe ở Quảng Ninh: Ai phải bồi thường khi 5 ô tô bị thiêu rụi?

(PLO)- Ai sẽ là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ xe ô tô trong vụ hỏa hoạn làm nhiều xe ở một xưởng sửa chữa bị thiêu rụi tại Quảng Ninh. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vừa xảy ra một vụ hỏa hoạn làm nhiều ô tô trong một xưởng sửa chữa bị thiêu rụi. Nhiều người đặt câu hỏi trong trường hợp này chủ tiệm sửa xe có phải bồi thường thiệt hại cho chủ xe ô tô.

Trao đổi với PLO, luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết về trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ xe ô tô bị cháy, trước hết, xe ô tô (xe cơ giới) thường có 2 loại bảo hiểm.

Thứ nhất là bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Khi mua bảo hiểm này, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thực hiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng và tài sản đối với bên thứ ba và bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của hành khách nếu nguyên nhân dẫn đến thiệt hại là do ô tô gây ra.

Thứ hai là bảo hiểm tự nguyện.

Chẳng hạn đối với bảo hiểm vật chất ô tô, chủ xe ô tô sẽ được phía đơn vị bảo hiểm chi trả và khắc phục thiệt hại khi có sự cố, tai nạn hay va chạm gây thiệt hại, hư hỏng hoặc bị mất cắp.

“Như vậy, nếu bị chủ thể khác gây thiệt hại, hư hỏng xe ô tô, chủ xe chỉ được phía bảo hiểm bồi thường khi có tham gia bảo hiểm vật chất ô tô (bảo hiểm tự nguyện)”- luật sư Mạch cho hay.

Theo luật sư Mạch, gói bảo hiểm này đơn vị bảo hiểm sẽ chi trả cho chủ xe khi có sự cố, tai nạn hay va chạm. Còn bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc là bồi thường cho bên thứ ba khi người lái xe gây thiệt hại cho người khác, tức là không phải thiệt hại của chủ xe và không chi trả cho chủ xe, nên không áp dụng trong trường hợp này.

Vụ cháy ở Quảng Ninh đã thiêu rụi 5 chiếc ô tô.
Vụ cháy ở Quảng Ninh đã thiêu rụi 5 chiếc ô tô. Ảnh: NGỌC SƠN

Trường hợp chủ xe không có tham gia bảo hiểm vật chất ô tô, chủ xe có thể yêu cầu bồi thường theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Cụ thể, theo Điều 597 Bộ luật Dân sự năm 2015, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao. Nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

"Tuy nhiên, vụ việc này vừa mới xảy ra, các cơ quan chức năng đang trong quá trình xác minh, làm rõ nguyên nhân, thống kê thiệt hại (số lượng, loại xe, tình trạng pháp lý của xe,...). Do vậy, tại thời điểm này, chưa thể đưa ra kết luận chính xác về việc có hay không có căn cứ để chủ sở hữu xe yêu cầu bồi thường thiệt hại"- luật sư Mạch nói.

Theo luật sư, cơ quan chức năng sẽ thực hiện các thủ tục cần thiết để xác định một số thông tin như: xưởng sửa xe có được trang bị hệ thống các thiết bị phòng cháy chữa cháy đúng yêu cầu, phù hợp với tiêu chuẩn luật định; có phương án phòng cháy chữa cháy phù hợp với quy định pháp luật hay không? Ngoài ra, nguyên nhân làm xảy ra vụ cháy có xuất phát từ bên thứ ba hay không? Có do hành vi phá hoại hoặc bất cẩn của cá nhân nào hay không? Nguyên nhân cháy có phải do sự kiện bất khả kháng hay không? Kết luận của cơ quan chức năng sẽ là cơ sở để xác định về căn cứ bồi thường thiệt hại trong trường hợp này.

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015, một sự kiện được xem là sự kiện bất khả kháng nếu thỏa mãn đủ các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, đó là sự kiện xảy ra một cách khách quan, hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của các bên.

Thứ hai, sự kiện đó không thể nào lường trước được.

Thứ ba, không thể khắc phục được hậu quả do sự kiện đó gây ra, dù cho bên có nghĩa vụ đã cố gắng áp dụng hết tất cả mọi biện pháp cần thiết và cho phép trong khả năng của mình.

“Như vậy, nếu nguyên nhân dẫn đến vụ cháy là do sự kiện bất khả kháng thì xưởng sửa xe không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu của xe bị cháy. Nếu có căn cứ xác định nguyên nhân cháy là do lỗi của bên thứ ba, xưởng sửa xe vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho chủ sở hữu xe, nhưng có quyền yêu cầu bên thứ ba thanh toán lại chi phí bồi thường đó”- luật sư Mạch đưa ra kết luận.

Cũng theo luật sư Mạch, cạnh đó, để có căn cứ yêu cầu để bồi thường thiệt hại (nếu có cơ sở), chủ sở hữu xe cần có biên bản bàn giao xe cho xưởng, giấy tờ pháp lý thể hiện quyền sở hữu hợp pháp đối với xe, thông tin về tình trạng xe, loại xe, đời xe,... qua đó có cơ sở xác định giá trị tài sản bị thiệt hại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm