Trang tin BenarNews ngày 13-9 dẫn lời Chuẩn đô đốc Dan Martin – chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson của hải quân Mỹ – cho biết sự hiện diện của nhóm tàu sân bay này tại Biển Đông vừa qua là nhằm đảm bảo "quyền tự do hàng hải của tất cả quốc gia trong vùng biển quốc tế".
Theo hệ thống giao thông hàng hải toàn cầu, tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN-70) đã di chuyển trên biển Natuna ngoài khơi Indonesia vào rạng sáng 12-9, gần khu vực hoạt động của tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 10 (Haiyang Dizhi 10) của Trung Quốc.
Tàu khảo sát của Trung Quốc đã hoạt động tại khu vực này từ cuối tháng 8.
Tuy nhiên, theo trang tin, điều bất thường là tàu sân bay của Mỹ cũng bật tín hiệu nhận diện AIS, một động thái mà các nhà phân tích cho rằng nhằm cho thấy con tàu này đang hoạt động tự do trong vùng biển quốc tế.
Chỉ huy nhóm tàu sân bay Carl Vinson lên tiếng về sự hiện diện tại Biển Đông. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền với BenarNews hôm 11-9, ông Martin cho biết: “Các hoạt động của chúng tôi trong khu vực thực sự thể hiện sự sẵn sàng bảo vệ lợi ích của chúng tôi và các quyền tự do theo luật quốc tế”.
“Bất kỳ luật hoặc quy định nào của quốc gia ven biển đều không được vi phạm các quyền hàng hải và hàng không mà tất cả các quốc gia được hưởng theo luật pháp quốc tế” – ông Martin cho biết.
“Các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và sâu rộng, gồm cả ở Biển Đông, đặt ra mối đe dọa đáng kể đối với các quyền tự do trên biển, bao gồm tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp” – ông Martin nói.
Ông Martin nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không bị ép buộc hoặc buộc phải từ bỏ các tiêu chuẩn quốc tế”.
Tuần trước, nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ gồm tàu sân bay USS Carl Vinson và ba tàu quân sự khác đã vào Biển Đông để tiến hành “các hoạt động an ninh hàng hải”.
Chỉ vài ngày trước đó, Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc thông báo rằng tất cả các tàu nước ngoài, kể cả tàu sân bay, khi đi vào khu vực mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố là lãnh hải của mình phải “khai báo” cho Trung Quốc và chịu sự giám sát của Bắc Kinh.
Liên quan động thái của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ, tờ Thời báo Hoàn cầu đã gọi việc triển khai tàu USS Carl Vinson là “hành động khiêu khích”.
Thời báo Hoàn cầu viết đây là lần thứ sáu Mỹ triển khai tàu sân bay ở Biển Đông trong năm nay, nhưng là lần đầu tiên có sự hiện diện của máy bay chiến đấu tàng hình F-35C và máy bay cánh nghiêng CMV-22B Osprey mới.
Tờ báo dẫn lời một nhà phân tích quân sự Trung Quốc cảnh báo rằng quân đội Trung Quốc đã được đặt trong tình trạng báo động, và “Trung Quốc hoàn toàn có đủ khả năng và tự tin để đối phó với những hành động khiêu khích như vậy”.
Tuy nhiên, chỉ huy của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson hôm 11-9 khẳng định “tất cả các hoạt động tương tác của chúng tôi cho đến nay với hải quân Trung Quốc đều diễn ra chuyên nghiệp và an toàn. Khi chúng tôi di chuyển, chúng tôi có một số tàu hộ tống nhưng tôi chưa thấy bất kỳ hoạt động hung hãn nào trên biển hay trên không khiến tôi lo ngại”.
Một đánh giá của BenarNews về dữ liệu theo dõi tàu cho thấy tàu sân bay USS Carl Vinson đã đi qua khu vực phía nam của Biển Đông, cách khu vực hoạt động của tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 10 khoảng 50 hải lý.
Theo BenarNews, khu vực mà tàu Hải Dương Địa chất 10 hoạt động hôm 12-9 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Indonesia.
Ông Martin cho biết do tình hình đại dịch COVID-19, tàu USS Carl Vinson không thể thực hiện bất kỳ chuyến thăm cảng nào trong hành trình của mình, song việc nhóm tác chiến tàu sân bay triển khai với một “kết thúc mở” sẽ “cho các đối tác và đồng minh của chúng tôi thấy rằng chúng tôi sát cánh cùng họ”.
Ông Martin cũng nhắc lại cam kết của Mỹ với Philippines nếu nước này bị tấn công, mô tả đây là “đồng minh hiệp ước lâu đời nhất của Mỹ ở châu Á”.
“Một cuộc tấn công vũ trang chống lại các lực lượng vũ trang, tàu hoặc máy bay của Philippines ở Thái Bình Dương, gồm cả ở Biển Đông, sẽ kích hoạt nghĩa vụ theo Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ Mỹ-Philippines” – ông Martin nói.