Chỉ một thương vụ dẫn tới khủng hoảng gạo năm 2008

Hồi đầu tháng 11, đài phát thanh quốc gia Mỹ đã phân tích: Cuộc khủng hoảng gạo năm ấy bắt đầu chỉ từ một quyết định đơn giản của Ấn Độ.

Giá lúa mì lúc đó đang cao, chính phủ Ấn Độ quyết định mua thêm gạo cho các chương trình phân phối lương thực thay vì mua lúa mì. Để có nhiều gạo rẻ dự trữ, tháng 10-2007, chính phủ Ấn Độ cấm xuất khẩu các loại gạo không phải gạo basmati. Giáo sư kinh tế học Peter Timmer ở ĐH Harvard, chuyên gia hàng đầu về thương mại lúa gạo quốc tế, nhận xét: “Sự kiện này đã kích hoạt những gì xảy ra tiếp theo”.

Sau đó, giá gạo thế giới lập tức tăng lên. Dù gạo dự trữ vẫn còn do nông dân nhiều nước bội thu, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ đồng nghĩa với việc sẽ có ít gạo hơn cho các nước nhập khẩu gạo. Người dân và người đầu cơ bắt đầu tích trữ gạo. Bản thân giáo sư Peter Timmer cũng ra cửa hàng mua sáu hộp gạo vì biết gạo sẽ đắt hơn trong vài tuần tới.

Chính phủ ở nhiều nước cũng làm tương tự. Đầu năm 2008, Ai Cập, Pakistan và Việt Nam bắt đầu hạn chế xuất khẩu gạo. Thái Lan kiến nghị thành lập tổ chức các nước xuất khẩu gạo như Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ. Các nước nhập khẩu gạo như Philippines bắt đầu lo. Chính phủ Philippines lên truyền hình khuyên người dân hạn chế tiêu thụ gạo. Khuyến cáo này phản tác dụng, dân đổ xô đi mua gạo nhiều hơn. Giá gạo lại bị đẩy lên lần nữa.

Tham nhũng cũng đã góp phần đẩy giá gạo thế giới tăng. Các quan chức Philippines dùng công quỹ để mua gạo của Vinafood (Việt Nam) với số lượng lớn. Họ sẵn sàng trả giá cao hơn bởi họ sẽ đứng giữa hưởng ưu đãi từ Việt Nam. Giá gạo bị đẩy tăng lên hàng trăm USD/tấn. Nỗi lo về gạo từ Philippines lan ra khắp châu Á. Thậm chí tại TP.HCM (Việt Nam), trung tâm xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, siêu thị và chợ gạo bán sạch gạo trong vòng hai ngày.

Trong bốn tháng đầu năm 2008, giá gạo thế giới tăng vọt từ 300 USD/tấn lên 1.200 USD/tấn. Thế giới vẫn còn đủ gạo nhưng hệ thống phân phối không hợp lý đã dẫn đến khủng hoảng. Nhận ra điều này, giáo sư Peter Timmer và nhà kinh tế Mỹ Tom Slayton đã lên kế hoạch xóa bỏ “bong bóng” giá gạo.

Giáo sư Peter Timmer kể lại: “Tom gọi tôi và nhắc Nhật còn 1,5 triệu tấn gạo chất lượng cao tồn kho”. Tổ chức Thương mại Thế giới ép Nhật nhập khẩu số gạo này từ Mỹ và Nhật không được tái xuất nếu Mỹ không đồng ý. Peter Timmer và Tom Slayton bắt đầu vận động thúc đẩy thỏa thuận giữa Mỹ và Nhật để xuất khẩu gạo đến Philippines. Giữa tháng 5-2008, hai bên đạt được thỏa thuận. Chỉ cần thông báo này truyền đi, giá gạo thế giới lập tức giảm.

Rõ ràng những nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng gạo năm 2007-2008 đều xuất phát từ con người. Viễn ảnh xảy ra khủng hoảng gạo lần nữa hiện vẫn đang đe dọa thế giới. Hiện thời không chính phủ nào dám chắc hệ thống lương thực toàn cầu sẽ không phát điên thêm một lần nữa.

QUANG MINH (Mỹ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm