Ngày 6-9, Bộ Tài chính đã công bố tình hình thu chi ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 8. Theo đó, tổng thu cân đối NSNN tháng 8 ước đạt 78.200 tỉ đồng, lũy kế tám tháng đạt 762.000 tỉ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó thu nội địa gần 60.000 tỉ đồng, giảm khoảng 30.000 tỉ đồng so với tháng 7.
Đặc biệt vẫn còn 20 địa phương thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán năm (dưới 63%); sáu địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ do nguyên nhân khách quan.
Trong đó, một số địa phương như Quảng Ngãi không còn áp dụng cơ chế thu điều tiết đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất; Vĩnh Phúc do giảm thu từ hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô; Thái Bình chủ yếu do giảm thu thuế bảo vệ môi trường từ mặt hàng xăng dầu; Thanh Hóa giảm thu từ thuế nhà thầu của tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn; các tỉnh Hòa Bình, Lai Châu giảm thu từ các công ty thủy điện.
Thu ngân sách có xu hướng giảm rõ rệt thì chi ngân sách vẫn tiếp tục tăng. Tổng chi NSNN tháng 8 ước 98.000 tỉ đồng, lũy kế chi tám tháng gần 800.000 tỉ đồng, bằng 57,1% dự toán, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó chi trả nợ lãi tám tháng 68.000 tỉ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ; chi thường xuyên 585.000 tỉ đồng, tăng 7,4% so cùng kỳ năm 2016. Điều này khiến bội chi NSNN tám tháng ước 97.000 tỉ đồng.
Theo Bộ Tài chính, trong tháng 9, cơ quan này sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi để giảm bội chi NSNN. Quản lý chặt việc ứng trước và chuyển nguồn chi thường xuyên, các khoản thu chi NSNN phải được thực hiện theo dự toán.
Tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại và chuyển giá; tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế để giảm số nợ thuế xuống dưới 5% so với số thực thu NSNN; phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu NSNN năm 2017 được cấp có thẩm quyền giao ở mức cao nhất, để có nguồn đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán và xử lý các nhiệm vụ phát sinh.