Chia rẽ từ cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung

Thời gian qua, thế đối đầu Mỹ - Trung trên mặt trận công nghệ không ngừng leo thang với nhiều bước đi đáng lo ngại. Đơn cử, Tập đoàn công nghệ Huawei tháng qua tiếp tục trở thành con bài mặc cả giữa Washington và Bắc Kinh khi bị hàng loạt quốc gia, đứng về phía Mỹ, ban lệnh cấm hoạt động hoặc tham gia phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông.

Hiện tượng này dĩ nhiên khiến Trung Quốc (TQ) phản ứng dữ dội với lời đe dọa sẽ trả đũa toàn bộ những nước có liên quan. Liệu thế giới có đang bị cuốn vào một cuộc chiến công nghệ đang hình thành và buộc phải chọn giữa hai cường quốc trên?

Xu hướng tẩy chay Huawei lan rộng

Ngày 23-7, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin nội bộ cho hay chính quyền Pháp vừa gửi thông báo nêu rõ các nhà mạng viễn thông trong nước nào đang có kế hoạch mua thiết bị 5G của Huawei sẽ không được gia hạn giấy phép sử dụng các thiết bị này khi hết hạn.

Hồi đầu tháng, Cục An ninh mạng Quốc gia Pháp (ANSSI) từng cho biết sẽ cấp phép cho các nhà mạng dùng thiết bị 5G, bao gồm sản phẩm của Huawei với thời hạn tối đa tám năm. Dù vậy, ANSSI khuyến nghị các công ty chưa từng sử dụng thiết bị của Huawei không nên mua sản phẩm của tập đoàn TQ để tránh những “rắc rối trong quá trình chuyển đổi công nghệ” về sau.

Cũng theo nguồn tin Reuters, phần lớn giấy phép cấp cho các thiết bị của Huawei đang lưu hành sẽ hết hạn trong vòng 3-5 năm tới, trong khi thời hạn sử dụng thiết bị của các hãng như Ericsson (Thụy Điển) hay Nokia (Phần Lan) vẫn còn kéo dài đến ít nhất là tám năm nữa.

Giới quan sát nhận định với các biện pháp hạn chế trên, Paris đến năm 2028 sẽ loại bỏ hoàn toàn Huawei khỏi thị trường Pháp. Các công ty viễn thông Pháp cũng sẽ không đầu tư vào thiết bị Huawei vì với một công nghệ mới như 5G phải cần ít nhất tám năm để sinh lời và hồi vốn.

Trong khi đó, chính quyền Anh ngày 14-7 đã chính thức ban lệnh cấm Huawei tham gia phát triển mạng viễn thông 5G của nước này. Các công ty sản xuất điện thoại và các nhà mạng viễn thông Anh từ cuối năm nay sẽ bị cấm mua các thiết bị hoặc linh kiện 5G mới do Huawei sản xuất và đến năm 2027 phải hoàn tất loại bỏ tất cả thiết bị, linh kiện đang sử dụng.

Như vậy, đến nay bốn trên năm thành viên thuộc nhóm tình báo Ngũ Nhãn (Anh, Úc, Mỹ, Canada, New Zealand) đã chính thức có động thái cấm Huawei hoạt động, trừ Canada. Dù vậy, Ottawa nhiều khả năng cũng sẽ sớm ra quyết định tương tự khi ngày càng có nhiều ý kiến yêu cầu Thủ tướng Justin Trudeau phải nhanh chóng xúc tiến vấn đề này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Donald Trump (phải) dự bữa tối bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào tháng 6-2019. Ảnh: REUTERS

Thế giới đau đầu chọn Mỹ hay Trung Quốc

Có thể thấy những quốc gia có tiếng nói quyết định của thế giới phương Tây đã tìm được lập trường chung trong giải quyết và ngăn chặn sự xâm nhập của Huawei nói riêng và các hãng công nghệ TQ nói chung do các lo ngại về bảo mật và an ninh quốc gia. Hầu hết lý do đưa ra đến nay đều cáo buộc Huawei là cánh tay nối dài của chính phủ TQ với nhiệm vụ hoạt động gián điệp.

Dù vậy, điều này không đồng nghĩa là phần còn lại của thế giới cũng sẽ nối bước những nước này và dựng hàng rào với TQ. Theo đài NPR, đến nay Huawei vẫn là tập đoàn cung ứng thiết bị và dịch vụ xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông lớn nhất với trụ sở đặt ở ít nhất 170 quốc gia. Khi so với các hãng đối thủ từ châu Âu hay Mỹ, Huawei có hai lợi thế lớn nhất là chi phí thấp nhờ dây chuyền ở TQ và được Bắc Kinh chống lưng với khoản hỗ trợ lên đến hàng chục tỉ USD. Do đó, sản phẩm của Huawei trở thành lựa chọn hàng đầu cho nhiều quốc gia đang phát triển với ngân sách eo hẹp.

Cả Mỹ và TQ đều cho thấy họ sẵn sàng dùng thương mại toàn cầu và chuỗi cung ứng làm vũ khí đối đầu. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình toàn cầu hóa, vốn rất cần một thế giới mở và tự do. Không chỉ các nước khác mà doanh nghiệp cũng đang rất khó xử.

Giáo sư MICHAEL WITT, Trường kinh doanh Insead (Pháp) 

Trên thực tế, nhiều chuyên gia chỉ ra Huawei từ lâu đã là công cụ hữu hiệu để TQ xây dựng ảnh hưởng ở các khu vực mà phương Tây khó chạm đến vì Bắc Kinh đánh thẳng vào nhu cầu thực tế như cải thiện hạ tầng viễn thông và đề xuất các giải pháp ngoài mặt tưởng chừng rất có lợi cho khu vực đó. Đây là thứ mà các gói viện trợ kinh tế và các khoản vay của các tổ chức quốc tế không làm được.

Kết quả là nhiều nước ở Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ cùng một số vùng ở châu Âu đã lên tiếng phản đối chiến dịch chống Huawei trên toàn cầu của Mỹ, lập luận rằng việc cấm hay không phải là quyết định tự nguyện của mỗi nước chứ không phải vì bị áp lực mà phải ban hành. Nhiều đồng minh của Mỹ như Đức cũng đang rất lưỡng lự trong vấn đề này, vì cấm Huawei là tự kìm hãm tốc độ phát triển nhiều loại công nghệ quan trọng như 5G. Lãnh đạo Anh từng thú nhận một hậu quả sau khi London cấm Huawei là tiến độ triển khai mạng 5G toàn quốc sẽ bị chậm đi khoảng 2-3 năm với chi phí đội lên gần 3,1 tỉ USD.

Chưa kể, một khi nước nào ra lệnh cấm Huawei thì quốc gia đó chắc chắn sẽ bị Bắc Kinh cho vào “danh sách đen” để trả đũa. Dù xu hướng rút cơ sở sản xuất ra khỏi TQ vẫn đang diễn ra với tốc độ tăng dần, quá trình này vẫn chưa kết thúc và thế giới hiện vẫn rất phụ thuộc vào nguồn nhân lực của nước này. Việc Bắc Kinh tiến hành trừng phạt hay gây khó dễ các công ty của các nước đặt ở TQ sẽ là cái giá khá đắt nếu quốc gia bị nhắm đến không đủ tiềm lực kinh tế và chính trị.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, không thể phủ nhận thái độ cảnh giác đang hiển hiện trong cộng đồng quốc tế trước những chính sách, hành vi hay bất cứ thứ gì liên quan đến TQ khi nước này lộ rõ tham vọng thành siêu cường quốc. Do đó, ủng hộ hay sử dụng công nghệ TQ lúc này có thể bị xem là “đứng về phía sai lầm của lịch sử”, như cách nói của cựu tổng thống Barack Obama và gián tiếp làm tổn hại đến trật tự ổn định chung.

Một nguy cơ khác mà các quốc gia phải cân nhắc là nếu chọn sử dụng dịch vụ viễn thông của Huawei thì cũng gần như đã trao cho Bắc Kinh quyền xâm nhập vào một trong những khu vực nhạy cảm nhất của nền an ninh quốc gia, theo đài Fox News. Chưa nói đến các vấn đề về gián điệp, mức độ can thiệp như vậy cho phép TQ có tiếng nói nhất định lên quá trình hoạch định chính sách và giữ được quốc gia đó trong tầm kiểm soát.

Huawei không phải là nạn nhân duy nhất

Không chỉ Huawei bị lọt vào tầm ngắm, Mỹ đang chuẩn bị cấm ứng dụng mạng xã hội quay video TQ TikTok cũng với cáo buộc hoạt động gián điệp và thu thập trái phép dữ liệu người dùng, theo đài CNBC. Cụ thể, Ủy ban An ninh nội địa Mỹ ngày 22-7 đã chấp thuận đề xuất dự luật cấm cài đặt TikTok trên các thiết bị do chính phủ cung cấp. Trong vài ngày tới, Thượng viện sẽ tiến hành họp để tiếp tục bỏ phiếu thông qua.

CNBC cho hay lượng người dùng TikTok trên toàn cầu tính đến tháng 7 đạt hơn 800 triệu người, với hơn 40 triệu người dùng liên tục ở Mỹ.

Ấn Độ hồi tháng trước cũng đã cấm lưu hành TikTok cùng hàng chục ứng dụng TQ do lo ngại ảnh hưởng an ninh quốc gia. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm