Ảnh: Tổng thống Mỹ Obama đang thay đổi hình ảnh về chính sách đối ngoại của mình (Nguồn: AFP)
Trong một loạt các cuộc phỏng vấn truyền hình, Ngoại trưởng John Kerry luôn cố gắng né tránh sử dụng khái niệm “chiến tranh” để mô tả việc mở rộng quy mô các chiến dịch chống IS của Mỹ tại Iraq và Syria. Tuy nhiên, trong các tuyên bố của các phát ngôn viên Nhà Trắng lẫn Lầu Năm Góc đều thẳng thắn tuyên bố về tình trạng “chiến tranh” của siêu cường này với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Với câu từ gần như y hệt nhau, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earrnest, và phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby, khẳng định: “Nước Mỹ đang có chiến tranh với tổ chức Nhà nước Hồi giáo, giống như cuộc chiến mà Mỹ đang có với al-Qaeda và các chi nhánh của chúng trên toàn thế giới”.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của đài CBS News vào hôm 11-9, trong chuyến công du các quốc gia Ả Rập, Ngoại trưởng John Kerry đã cố gắng né đi khái niệm “chiến tranh” khi nói về chiến dịch chống IS của nước Mỹ. “Chúng tôi gọi đây là một chiến dịch chống khủng bố lớn và dài hạn. Tôi nghĩ “chiến tranh” không phải là khái niệm chính xác, mặc dù chúng ta phải nỗ lưc tương đương như vậy để chống khủng bố toàn cầu”.
Truyền thông đánh giá sự mâu thuẫn về “từ ngữ” này là do chính quyền Obama muốn tránh càng xa càng tốt “cơn sốt chiến tranh” mà người Mỹ hiện nay đã quá ngán ngẩm, trong khi chính quyền Obama từng thề sẽ chấm dứt tất cả các cuộc chiến của nước Mỹ, rút quân đội khỏi chiến trường Iraq và Afganistan.
Trong phát biểu của Nhà Trắng, phát ngôn viên Earnest cũng không quên nhấn mạnh: “Người dân trước tiên cần hiểu, tổng thống đã nói rõ chiến lược săn đuổi, làm suy yếu và cuối cùng là tiêu diệt lực lượng nhà nước Hồi giáo, trên đất Iraq và Syria lần này, rất khác với cuộc chiến Iraq trước đây”.
Có thể, việc các phát ngôn viên của 2 cơ quan quyền lực bậc nhất trong bộ máy quân sự Mỹ đề cập đến từ khóa “chiến tranh” lại nhằm mục đích đối nội nhiều hơn là đối ngoại. Cuộc tranh luận xoay quanh chữ “chiến tranh” sẽ làm cho nỗ lực tiêu diệt IS của chính quyền Obama được quan tâm nhiều hơn, và được đánh giá là “cứng rắn" hơn.
Trong bối cảnh mà chính sách đối ngoại của ông Obama chịu nhiều chỉ trích, động thái này là hoàn toàn cần thiết. Ông đã từng phải hứng chịu nhiều búa rìu dư luận cách đây 2 tuần sau khi trả lời phỏng vấn rằng “vẫn chưa có chiến lược” để giải quyết vấn đề IS. Thậm chí, có những đáng giá cho rằng ông Obama đang tìm cách “kiểm soát” vấn đề al-Qaeda chứ không còn nghĩ đến việc trừ khử chúng.