KHỦNG HOẢNG UKRAINE: AI ĐANG THÂU TÓM LỢI ÍCH?

‘Món hời’ từ những phi vụ buôn vũ khí

Khủng hoảng Ukraine có sự hiện diện của nhiều bên, trong đó phải điểm đến các ông lớn như Mỹ, NATO, Nga hay các nước khu vực lân cận đóng vai trò “trọng tài” như Belarus. Bên cạnh những lợi ích về chính trị (quyền lực, tầm ảnh hưởng, vị thế quốc gia) thì phía sau đó còn tồn tại những toan tính về lợi ích kinh tế, trong đó nổi bật là buôn bán vũ khí.

Phương Tây, Ukraine đối đầu Nga: Bên mất khách, bên thiếu thị trường

Bình luận trên tờ Belarusdigest (Belarus), ông Siarhei Bohdan, một nhà phân tích cao cấp của Trung tâm Ostrogorski nhận định ngành công nghiệp quốc phòng của Belarus sẽ hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng tại Ukraine, nhất là khi quan hệ giữa Kiev với quân ly khai, Nga và phương Tây ngày càng phức tạp buộc Nga phải tìm đối tác mới và mở rộng thị trường để nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho ngành quốc phòng.

Từ tháng 6-2014 đến nay, với cáo buộc Nga cung cấp vũ khí và hỗ trợ cho quân ly khai “làm loạn”, Tổng thống Ukraine Poroshenko ban bố lệnh cấm tất cả hình thức hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga. Trong khi đó, Kiev là một đối tác quan trọng của Nga. Năm 2013, Ukraine là nước xuất khẩu các mặt hàng quân sự lớn thứ 10 trên thế giới với các sản phẩm hiện đại như máy bay, phương tiện vận tải, hệ thống phòng không. Kiev cũng đứng hàng thứ tư về nguồn nhân lực công nghệ thông tin trình độ cao (sau Mỹ, Ấn Độ và Nga). Ngành đóng tàu của Ukraine hiện đang thuộc diện hàng đầu thế giới, kể cả đóng tàu chở dầu.

Với tuyên bố ủng hộ chính phủ Ukraine, phản đối các hành động xâm phạm và can thiệp của Moscow, mới đây (11-9), truyền thông phương Tây và báo chí Nga dẫn lời Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố tiếp tục thực hiện các biện pháp trừng phạt mới về lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, năng lượng và tài chính đối với Nga. Tương tự Ukraine, phương Tây lên danh sách hàng loạt hoạt động bị cấm, trong đó có cấm xuất khẩu các mặt hàng, thiết bị liên quan đến quốc phòng Nga.

Các biện pháp trừng phạt, cấm vận của Ukraine và phương Tây lên thị trường Nga không chỉ gây khó khăn cho Putin trong phát triển hệ thống công nghiệp quốc phòng mà còn làm cho phương Tây và Ukraine mất đi thị trường béo bở. Nga cũng không ngồi im mà nhanh chóng tìm đến các đối tác mới, xóa bỏ bất kỳ sự phụ thuộc nào dù là nhỏ nhất. Điều này không ngoài khả năng khiến Mỹ, EU lẫn Ukraine bất an, buộc phải tìm kiếm sự hợp tác mới, thị trường mới.

“Nhân tố thứ ba” hưởng lợi ngành vũ khí

Trước các vòng vây cấm vận, ngày 24-7 vừa qua, Đại sứ Nga Alexander Surikov đã tiết lộ việc Nga đề xuất tiến hành buổi họp mặt với nhóm tiếp xúc (gồm các đại diện của Ukraine, Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu) vào ngày 5-9 tại Minsk (thủ đô Belarus) liên quan đến mong muốn hợp tác nhập khẩu hàng loạt yếu tố đầu vào quan trọng phục vụ cho sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Đầu năm nay, lãnh đạo Belarus cho biết đang có ý định vực dậy ngành công nghiệp quốc phòng vốn đã kiệt sức do phụ thuộc vào liên bang Xô Viết, chưa có khả năng và cơ hội phục hồi từ sau Chiến tranh lạnh. Trong vài tháng gần đây, các quan chức hàng đầu Belarus, gồm Lukashenka và Hurulyou, đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Belarus phải tránh xa một bi kịch mang tên Ukraine - quốc gia bỏ bê đối với các vấn đề quốc phòng nhiều năm khiến lực lượng quân đội chính phủ đã trở nên yếu ớt.

Hai quan chức trên đề xuất Belarus phải xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng mạnh để “tối tân hóa” cho lực lượng vũ trang quốc gia, đồng thời xuất khẩu vũ khí sang thị trường khác. Tuy nhiên, trước mắt Belarus phải làm “ngược lại”, nghĩa là tăng cường xuất khẩu vũ khí trước, chỉ để lại phần nhỏ cho quân đội quốc gia. Vì Belarus không phải là thị trường độc quyền của bất kỳ một quốc gia nào và nước này đã cố gắng định vị mình là “ở giữa” Nga và phương Tây nên Minsk đồng thời có thể hợp tác với Moscow lẫn chính quyền Kiev, thậm chí là Mỹ và các nước phương Tây.

Với Nga, Lukashenka nhận thức được rằng để phát triển công nghiệp quốc phòng, Belarus không thể làm một mình mà phải hợp tác cùng với các quốc gia khác, trong đó Moscow là điển hình quan trọng. Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) chỉ ra rằng dù số liệu xuất khẩu quân sự liên quan đến Belarus vào Nga không được công bố nhưng phần lớn kim ngạch xuất khẩu vũ khí, thiết bị quân sự, yếu tố đầu vào ngành quân sự Belarus được bán sang Nga.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Lukashenka cũng không quên nhấn mạnh rằng cần hợp tác im lặng và hiệu quả đối với Ukraine. Belarus và Ukraine đã cùng phát triển các hệ thống phòng không T38 Stilet, hệ thống tên lửa chống xe tăng Skif, cùng phiên bản cải tiến của Skif là Shershen.

Không chỉ Belarus mới “chộp” cơ hội buôn bán vũ khí từ khủng hoảng Ukraine, nhiều nhóm lợi ích đến từ Mỹ cũng rục rịch tìm chỗ đầu tư ngành quốc phòng để thu lợi. Loren Thompson, Giám đốc điều hành của Viện Lexington, đơn vị chuyên tư vấn các đề án quốc phòng, trả lời phỏng vấn qua điện thoại của tờ Bloomberg rằng cuộc khủng hoảng sẽ là cơ hội kiếm tiền của các nhà thầu cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa, bao gồm Công ty Raytheon (RTN) và Lockheed Martin (LMT); xe bọc thép, bao gồm các công ty như General Dynamics Corp (GD) và BAE Systems Plc. (BAESY). Giải thích thêm về nhận định trên, Mark Signorelli, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Sản xuất Xe quân sự BAE, cho biết căng thẳng ở Đông Âu có thể khiến các nước phải tăng chi tiêu quốc phòng để hiện đại hóa quân sự, quốc phòng.

ĐẠI THẮNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm