Chiến sự Ukraine leo thang: Nga bị vây ép

Theo đề nghị của Litva, Hội đồng Bảo an LHQ sẽ tổ chức cuộc họp đặc biệt lúc 15 giờ ngày 26-1 để thảo luận về tình hình Ukraine. Cuộc họp trước đó hôm 24-1 định thông qua tuyên bố lên án lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine nhưng Nga phản đối.

Chiều 26-1, NATO cũng sẽ tổ chức cuộc họp Ủy ban NATO-Ukraine bất thường ở cấp đại sứ.

Cao ủy đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini thông báo triệu tập cuộc họp bất thường các bộ trưởng Ngoại giao EU vào ngày 29-1 tới (không phải ngày 26-1 như tổng thống Ukraine loan báo).

Sau sự kiện TP Mariupol ở miền Đông Ukraine bị nã pháo hôm 24-1 làm 30 người chết, hơn 90 người bị thương, phương Tây tiếp tục đổ lỗi cho lực lượng ly khai Ukraine và liên tục gây sức ép với Nga.

Một mảnh đạn pháo cắm trên sân khu dân phố Vostochniy ở TP Mariupol (miền Đông Ukraine) ngày 25-1. Ảnh: AP

Ngày 25-1, từ Ấn Độ, Tổng thống Obama cảnh báo Mỹ sẽ cùng các đối tác châu Âu xem xét mọi giải pháp mới để ngăn chặn Nga can thiệp vào Ukraine, trừ giải pháp đối đầu quân sự.

Ở châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (nguyên thủ tướng Ba Lan), đã điện đàm với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.

Sau đó ông Donald Tusk đã viết trên Twitter gọi nước Nga là “xâm lược” và khẳng định chính sách xoa dịu đôi lúc áp dụng với Nga chỉ khuyến khích Nga lấn tới. Ông gợi ý cần phải tiếp tục cấm vận Nga.

Hiện thời trong nội bộ EU có hai luồng ý kiến ôn hòa và cứng rắn. Giữa tháng 1, Cao ủy đối ngoại Federica Mogherini đã đề nghị các nước EU trao đổi với Nga để có thể Nga từ từ thay đổi thái độ về Ukraine.

Phe cứng rắn trong EU đánh giá gợi ý của bà Federica Mogherini là chính sách xoa dịu nguy hiểm tương tự cách phát biểu của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nêu trên.

AFP cho biết Tổng thống Pháp François Hollande đã điện đàm với tổng thống Ukraine và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Văn phòng tổng thống Pháp nêu rõ tổng thống Pháp sẽ tiếp tục trò chuyện với tổng thống Nga và thủ tướng Đức vào đêm 26-1.

Về phần Nga, 24 tiếng sau vụ nã pháo ở Mariupol, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov lên tiếng khẳng định quân đội Ukraine đã tấn công vào các khu dân cư.

Ông đã điện đàm với Cao ủy đối ngoại EU Federica Mogherini và đề nghị EU thuyết phục Ukraine đối thoại chính trị rộng rãi với lực lượng ly khai.

Ông cũng điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và bảo đảm Nga sẵn sàng làm tất cả để tạo điều kiện mở đàm phán về Ukraine. Ông kêu gọi Mỹ sử dụng ảnh hưởng tác động Ukraine không tiến hành giải pháp quân sự ở miền Đông.

Ông nhấn mạnh chỉ có đối thoại trực tiếp giữa chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai miền Đông mới có thể đạt được kết quả, tuy nhiên Ukraine cố tránh né và quyết sử dụng giải pháp quân sự tiêu diệt lực lượng ly khai.

Ngoại trưởng John Kerry đã đề nghị mở rộng nhóm đối tác quốc tế phụ trách tìm kiếm giải pháp vãn hồi hòa bình ở Ukraine.

Trong khi đó, hãng tin RIA Novosti (Nga) đưa tin ngày 26-1, Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman cho biết Israel sẵn sàng làm trung gian thương lượng giữa Nga và Ukraine.

Lý do ông đưa ra là trước nay Israel đã giữ vai trò trung lập trong xung đột Nga-Ukraine và Israel đã giữ quan hệ tốt với cả hai bên Moscow lẫn Kiev.

Ngay sau đó, người phát ngôn tổng thống Nga tuyên bố Nga cảm ơn Israel nhưng Nga từ chối mọi thương lượng giữa Nga và Ukraine về giải quyết khủng hoảng ở Ukraine. Lý do: Không có xung đột nào giữa Nga và Ukraine, Nga không phải là một bên của xung đột.

Ngày 25-1 (giờ địa phương), Thủ tướng Đức Angela Merkel đã điện đàm với Tổng thống Nga Putin. Bà đề nghị Nga tác động đến lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine nhằm ngăn chặn bạo lực leo thang và tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn ký kết ở Minsk (Belarus) tháng 9-2014.

Nếu cách đây hai năm có ai nói với tôi Nga và Ukraine trở thành đối thủ, tôi sẽ khuyên họ đi đến bác sĩ khám bệnh. Nhưng thực tế đã dành cho chúng ta những điều ngạc nhiên như vậy.

Ngoại trưởng Israel AVIGDOR LIEBERMAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm