Chính phủ yêu cầu thanh toán đầy đủ tiền lương, thưởng cuối năm cho người lao động

(PLO)- Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp thanh toán đầy đủ tiền lương, tiền thưởng cuối năm cho người lao động, có biện pháp động viên người lao động sau tết sớm trở lại làm việc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại Nghị quyết 156 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2022, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật trên nguyên tắc cấp nào ban hành, cấp đó phải tháo gỡ. “Đề cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các bộ, cơ quan trong xử lý công việc” - nghị quyết nêu rõ.

Các doanh nghiệp cần có biện pháp động viên người lao động sau tết sớm trở lại làm việc. Ảnh: HOÀNG GIANG

Các doanh nghiệp cần có biện pháp động viên người lao động sau tết sớm trở lại làm việc. Ảnh: HOÀNG GIANG

Liên quan đến tình trạng doanh nghiệp trong một số lĩnh vực, địa bàn phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh, cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của một bộ phận người lao động (NLĐ), Chính phủ yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện một số giải pháp.

Cụ thể, khuyến khích doanh nghiệp có các biện pháp thiết thực quan tâm, chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ, nhất là trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Thanh toán đầy đủ tiền lương, tiền thưởng cuối năm cho NLĐ, có biện pháp động viên NLĐ sau tết sớm trở lại làm việc.

Các địa phương cũng cần nắm bắt tình hình về nhu cầu sử dụng lao động trên địa bàn để có phương án tổ chức kết nối cung - cầu lao động, hạn chế tình trạng thiếu hụt lao động sau tết.

Hỗ trợ NLĐ có hoàn cảnh khó khăn được vui đón tết; hạn chế phát sinh tranh chấp lao động và đình công trước, trong và sau dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Chính phủ cũng yêu cầu bộ này theo dõi, nắm bắt tình hình cắt giảm lao động ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là vào dịp năm mới 2023 và tết Nguyên đán Quý Mão. Qua đó kịp thời báo cáo Thủ tướng, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các chế độ, chính sách cho NLĐ theo đúng quy định.

Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan rà soát danh sách NLĐ bị mất, giảm việc làm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung để khẩn trương triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ.

Nghị quyết của Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành liên quan khẩn trương đánh giá, rà soát kỹ, đề xuất việc sửa đổi Nghị định 65/2022 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020) về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Bảo đảm công khai, minh bạch, quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ.

Bộ Công Thương được giao phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống theo quy định. “Tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong cuối năm 2022 và dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023” - nghị quyết nhấn mạnh.

Bộ Công an được giao bảo đảm an ninh trên các địa bàn trọng điểm, trên các lĩnh vực, nhất là an ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư. Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án trọng điểm; làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi tung tin xấu, độc, sai sự thật.

Triển khai hiệu quả đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm trong dịp cuối năm và tết Nguyên đán Quý Mão 2023, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm