Chống dịch COVID-19: Nét riêng của Việt Nam so với thế giới

Tính đến nay đã là hai tháng kể từ khi thế giới bắt đầu chung sức phòng, chống COVID-19. Đã có những tia hy vọng đại dịch sẽ qua khi năm ngày liên tiếp Vũ Hán tâm bùng phát dịch không ghi nhận ca tử vong nào.

Dẫu vậy, đây cũng là ngày buồn của tôi khi đồng nghiệp Ailleen Baviera, GS luật hàng đầu Philippines tử vong vì virus SARS-CoV-2 (gây bệnh COVID-19).

COVID-19 không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, địa vị, nghề nghiệp, giới tính, quốc tịch, biên giới. Nó mang đến nỗi sợ hãi cho cộng đồng và sự tê liệt của nền kinh tế.

Đã có nhiều bài báo phân tích và việc mổ xẻ tình hình là của các nhà chuyên môn. Trong thời buổi ngồi nhà, tôi xin ghi lại cảm nhận những ngày qua.

Nhìn chuyện thế giới chống COVID-19

Để chiến đấu với virus SARS-CoV-2, mỗi nước căn cứ vào thể chế, văn hóa, nguồn lực, đạo đức, tập quán, kinh nghiệm đã đưa ra cách tiếp cận và chiến lược riêng.

Có cách đánh khoanh vùng, thiết quân luật, cấm triệt để đi lại, hoạt động như của Trung Quốc, xét nghiệm diện rộng như của Hàn Quốc, tạo khoảng cách cộng đồng (social distancing) bằng cách bắn thật nhiều tiền cho mọi người ở nhà như Mỹ, Anh hay cả thuyết miễn dịch cộng đồng gây tranh cãi.

Dịch chưa kết thúc để có thể nói ai hay hơn ai. Và nếu có hay, nước khác cũng chỉ học hỏi một số điểm để điều chỉnh chiến lược cơ bản của họ thích ứng với đặc thù của họ. Song dù theo chủ thuyết nào, biện pháp chủ yếu vẫn là phong tỏa, cách ly yên vị tránh tiếp xúc nhằm khống chế lây lan virus.

Kiểm tra thân nhiệt chống dịch COVID-19 ở Trung Quốc. Ảnh: AP

Nhận xét sơ bộ là cả thế giới đã bị bất ngờ trong phòng COVID-19. Trung Quốc đã mất thời gian vàng một tháng để nhận thức được mối nguy hiểm. WHO lúc đầu coi dịch chỉ liên quan đến Vũ Hán. Phương Tây cho rằng virus nằm trong món khoái khẩu của những người thích ăn động vật hoang dã ở châu Á, chứ không thể động đến thế giới văn minh phương Tây.

Tuy nhiên, EU bất lực không có một chính sách chung cho khối. Thế giới thiếu một nhà lãnh đạo chung điều phối khi khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” được áp dụng. Khi COVID-19 gõ cửa, các lãnh đạo phải đứng trước lựa chọn giữa con người và kinh tế, giữa sức khỏe và tự do cá nhân, phải hài hòa giữa hai mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa không làm suy thoái kinh tế.

Trung Quốc không chọn xét nghiệm 1,3 tỉ người như chiến lược mà Hàn Quốc áp dụng vì sẽ gây ra áp lực khủng khiếp cho ngành y tế và reo rắc hoang mang cho dân chúng. Virus phát tán tại chỗ nên cách phong tỏa cả thành phố Vũ Hán là đúng với họ và nó đã được thực tế chứng minh sau hai tháng thiết quân luật Vũ Hán đã đi qua đỉnh dịch.

Trong hoàn cảnh đặc biệt, cần có những quyết định đặc biệt và những con người đặc biệt để đưa ra và thực thi quyết định đó. Dù còn nhiều ý kiến không ưa nhưng không thể phủ nhận những nỗ lực của Trung Quốc trong hai tháng qua với người dân của họ, đất nước họ và với thế giới.

Đánh giá chiến lược của Việt Nam

Việt Nam là nước còn nhiều khó khăn, tiềm lực kinh tế hạn chế, không thể áp dụng như cách mà các nước giàu có đã làm. Nhiều người nói Việt Nam chống dịch giống Trung Quốc vì sự tương đồng nhất định giữa hai nước nhưng nếu nhìn kỹ Việt Nam đã có cách đi độc lập của riêng mình.

Khác với các nước áp dụng biện pháp phong tỏa hay cách ly toàn bộ, Việt Nam lựa chọn cách ly cục bộ, khu trú lây nhiễm, 4 tại chỗ, duy trì các mạch máu của nền kinh tế và phát động chiến tranh nhân dân “chống dịch như chống giặc”.

COVID-19 “nhập cảnh” vào Việt Nam nên phòng, chống vòng ngoài là tiên quyết. Có người chê đây đâu phải là cuộc chiến tranh vì kẻ thù có thấy đâu mà đánh. Khi B52 ném bom trên bầu trời Hà Nội, mắt rađa bị bịt kín vì nhiễu, các chiến sĩ phòng không không quân đã sáng tạo cách đánh cứ phóng tên lửa đến điểm nào nhiễu lớn chính là máy bay và đã thành công. Việt Nam lựa chọn ngăn chặn kịp thời virus từ cửa để xác suất lây chéo trong cộng đồng là thấp nhất và nhờ vậy đã giảm tải cho ngành y tế. 

Kiểm soát tập trung không sử dụng xét nghiệm toàn dân sẽ tránh chi phí và Việt Nam không đủ tiềm lực công nghệ để làm như Hàn Quốc. Biện pháp này sẽ tiêu tốn hết thiết bị vật tư y tế cho những người cần nhất và trở nên vô hiệu khi COVID-19 biến đổi theo thời gian. Nếu không kiên quyết, xảy ra lây chéo lớn trong cộng đồng như Ý thời gian qua thì chi phí dập dịch sẽ lớn hơn rất nhiều lần và cả nền kinh tế không chịu nổi. 

Việt Nam đã lựa chọn cách xử lý ít tốn kém và hiệu quả nhất trong điều kiện thực tế. Việt Nam cũng xác định đúng mối quan hệ giữa con người và kinh tế khi Thủ tướng khẳng định sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để cứu người và trong cuộc chiến này không một ai bị bỏ rơi, người già cũng như người trẻ.

Chính phủ đã bảo vệ tốt cả người dân trong nước và giải cứu công dân ở nước ngoài khi cần. Song điều đó không có nghĩa là bỏ rơi nền kinh tế. Còn người còn của nhưng không có việc làm lấy gì ăn để giữ người. Nhiều ý kiến ban đầu cho rằng Việt Nam phải đóng cửa biên giới ngay lập tức để chặn dịch.

Quyết định đóng cửa biên giới sẽ gây ra xáo trộn kinh tế, các hậu quả ngoại giao khó bù đắp. Chiến lược đóng cửa dần dần các vật chủ mang virus trong tầm kiểm soát đã giúp Việt Nam vẫn thông quan được hàng hóa, được mùa gạo lớn nhất và bình ổn được thị trường.

Việt Nam có được những thành công bước đầu trong kiểm dịch COVID-19 không chỉ nhờ quyết định sáng suốt của lãnh đạo mà còn ở sự đồng lòng của dân chúng. “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” là truyền thống trong máu của người Việt. Mỗi khi có gian nan đất nước đều đoàn kết. Hệ thống y tế dự phòng từ cơ sở và ý thức người dân từ đầu thôn cuối xóm đã góp phần quyết định phát hiện, khu trú ngay dịch bệnh từ cơ sở và giải quyết những vấn đề tưởng như đơn giản là khẩu trang y tế khi đến cả nước lớn cũng thiếu.

Tổ chức từ cơ sở là điểm khác biệt cơ bản của Việt Nam với các nước khác. Ít có chỉ thị nào lại được toàn dân nghiêm chỉnh chấp hành như “ở nhà là yêu nước”. Toàn dân đoàn kết giúp đỡ nhau vượt khó. Thật đáng quý khi nhìn ra bên ngoài, một số người dân bỏ qua các khuyến cáo của Chính phủ vẫn phơi nắng bãi biển, tụ tập đông người.

Có người phàn nàn đất nước còn nghèo sao lại cho cách ly điều trị miễn phí. Đó là biện pháp ban đầu cần thiết để giúp người dân vượt qua nỗi sợ, hợp tác với chính quyền, nâng cao ý thức với cộng đồng. Chi phí ban đầu không thể nhiều bằng chi phí chữa bệnh nếu bùng phát và suy thoái kinh tế.

Chưa bao giờ Việt Nam có sự phối hợp trơn tru, kịp thời, hiệu quả của các bộ, ngành (y tế, quốc phòng, công an, ngoại giao, công thương, nông nghiệp và phát triển, GTVT, TT&TT, ngân hàng, tài chính…), các sở địa phương. Một sự phối hợp không thủ tục rườm rà chỉ có thể thấy trong thời chiến giữa lựa chọn sinh tử.

Công tác khuyến cáo của Bộ Y tế thông qua những hình thức ngắn gọn, dễ hiểu dễ áp dụng. “Đờm, ho, khó thở là triệu chứng cúm mùa. Sốt, ho, khó thở là em Covi”. Lời ca vũ điệu GienCovy giúp lan truyền ba hành động (rửa tay sạch, đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc) dễ học so với 40 khuyến cáo của ba nhà khoa học Úc mà CP Mỹ sử dụng.

Truyền thông và y tế dự phòng đã kết hợp nâng cao nhận thức người dân, tự tin phòng dịch cho cá nhân, gia đình và tin tưởng vào các biện pháp của Chính phủ. Việt Nam đã không bị động hoàn toàn trong công tác phòng, chống COVID-19. Vẫn còn những hạt sạn, những lời nói đau lòng, hành vi kỳ thị nhưng cộng đồng đã lên tiếng ngăn chặn và Chính phủ đã lắng nghe điều chỉnh kịp thời như giảm F2, F3 cách ly tại nhà, phân luồng tiếp nhận người nhập cảnh sân bay.

Việt Nam quyết liệt trong công tác chống dịch. Ảnh: PLO

COVID-19 cũng mang lại những ích lợi cho con người khi buộc chúng ta nhìn nhận lại các giá trị cuộc sống, giá trị gắn kết của gia đình và xã hội. COVID-19 đưa ý thức vệ sinh cá nhân và sức khỏe cộng đồng lên cao sống có trách nhiệm cá nhân, gia đình và xã hội. COVID-19 buộc con người phải tìm ra các vaccine điều chỉnh tổ chức gọn nhẹ, cắt giảm biên chế, đưa các ứng dụng IT, 4T vào sản xuất, hội họp, thúc đẩy thương mại điện tử mà không cần các biện pháp nhắc nhở.

COVID-19 buộc Bộ Giáo dục phải nhìn lại rút gọn chương trình đào tạo, tăng cường học online như xu thế tất yếu của thời đại.

COVID-19 giúp xã hội thanh lọc tin xấu, tin giả (fake news), đẩy mạnh vai trò truyền thông kịp thời, lành mạnh, đầy đủ và minh bạch trong xã hội. COVID-19 làm trẻ thơ tự lập hơn và các thế hệ gắn bó với nhau hơn.

COVID-19 đặt ra các yêu cầu tổ chức lại các tổ chức quốc tế, các hệ thống phòng dịch quốc gia. Nó đưa đến những tranh luận mới về quyền con người, tự do cá nhân và kiểm soát nhà nước, về y đức, kinh tế dưới cái nhìn Tây Đông. COVID-19 là chất xúc tác buộc từng cá nhân, xã hội, thế giới phải thay đổi, phải cải cách.

Mùa hè tới mang thêm đồng minh trong cuộc chiến nhưng đừng chủ quan. Đại dịch cúm 1918 không tha các nước xứ nóng khi Ấn Độ lây nhiễm 20 triệu, Indonesia 5 triệu. Việt Nam nên từng bước thông tin cho nhân dân kế hoạch phòng, chống trường hợp lây chéo trong cộng đồng để tự tạo ra vaccine cho xã hội. Chúng ta cần hoạch định cả chính sách cho tương lai sau đại dịch.

Đoàn kết với Chính phủ chính là vaccine “Miễn dịch cộng đồng”, để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường không còn nỗi ám ảnh bất kỳ con virus nào.

Quyết liệt Quyết liệt hơn nữa

Bình tĩnh Bình tĩnh hơn nữa

Đoàn kết Đoàn kết hơn nữa

Vững tin xốc tới đẩy lùi Covy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới