Sáng 10-5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XIV, đơn vị bầu cử số 1 (quận 1, 3, 4) đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 3, TP.HCM.
Không dễ dàng lôi đối tượng tham nhũng ra ánh sáng
Tại hội nghị tiếp xúc với các ứng viên bầu đại biểu Quốc hội khóa mới, nhiều cử tri cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề chống tham nhũng. Ông Lê Công Hoài (phường 9) đặt câu hỏi trực tiếp với ứng viên Trần Đại Quang, trong chương trình hành động của ông có nói đến chống tham nhũng, “Nhưng cử tri chúng tôi muốn ông nói cụ thể hơn” - cử tri Hoài đặt vấn đề.
Chia sẻ với cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định vấn đề chống tham nhũng mặc dù đã đạt được kết quả bước đầu nhưng mục tiêu đề ra chưa đạt được như mong muốn.
“Công cuộc đấu tranh chống tham nhũng rất gay go, quyết liệt. Không phải dễ dàng lôi ra ánh sáng đối tượng tham nhũng. Muốn làm được, ngoài phát hiện, điều tra, xử lý đối tượng tham nhũng, phải kiên quyết phát hiện, xử lý những người gây khó khăn cho công tác đấu tranh chống tham nhũng” - Chủ tịch nước nói.
Cử tri Lê Công Hoài đề nghị Chủ tịch nước nói rõ hơn làm sao để đưa ra xét xử những vụ án tham nhũng liên quan đến các vị lãnh đạo có chức, có quyền.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết sẽ tiếp thu ý kiến phát biểu thẳng thắn của các cử tri để bổ sung các giải pháp vào chương trình hành động của mình. Ông cho biết tham nhũng đã trở thành quốc nạn, Đảng và Nhà nước ta đã xác định đây là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Chúng ta đã và đang chỉ đạo rất quyết liệt với một quyết tâm chính trị rất cao để diệt nạn tham nhũng.
Trên thực tế, các cơ quan chức năng đã vào cuộc và đã phát hiện điều tra, xử lý và đưa ra xét xử nhiều vụ tham nhũng lớn liên quan đến các lĩnh vực xây dựng cơ bản, tài chính, ngân hàng…
“Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Công an tôi cũng đã trực tiếp chỉ đạo đưa ra truy tố, xét xử nhiều vụ tham nhũng” - Chủ tịch nước giải bày thời ông còn làm Bộ trưởng Bộ Công an. Chủ tịch nước cũng cho rằng phải siết lại, không để sơ hở ở các cơ quan quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn người có động cơ tham lam, lợi dụng chức vụ để tham nhũng.
“Tai mắt của nhân dân và ý kiến của cơ quan báo chí rất quan trọng để góp phần giúp cơ quan điều tra củng cố các chứng cứ, điều tra, truy tố, xét xử tham nhũng” - ông Trần Đại Quang nói.
Làm sao để ngư dân yên tâm bám biển?
Cũng tại buổi tiếp xúc, nhiều vấn đề lớn của đất nước được cử tri đặt hàng cho các ứng viên nếu trúng cử đại biểu Quốc hội khóa mới, trong đó nổi lên là việc tàu cá của ngư dân các tỉnh miền Trung bị tàu nước ngoài đâm khi đánh cá trên vùng biển Việt Nam.
Trung tá Đỗ Văn Thịnh, cử tri đang làm việc tại Ban chỉ huy quân sự quận 3,, cho rằng hiện nay ngư dân các tỉnh miền Trung đang đánh bắt trên vùng biển của Việt Nam nhưng liên tục bị tàu nước ngoài đâm chìm, phá hoại làm cho ngư dân rất lo lắng.
“Tôi muốn hỏi ông Trần Đại Quang, nếu trúng cử, trên cương vị đại biểu Quốc hội, ông sẽ có đề xuất gì cho Đảng và Nhà nước để giúp đỡ ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền” - ông Thịnh nói.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang: "Trong trường hợp bị đe dọa, thì lực lượng này phải có biện pháp hỗ trợ, ngăn chặn, bảo vệ, xua đuổi tàu nước ngoài ra khỏi khu vực biển Việt Nam". Ảnh: TÁ LÂM
Trả lời vấn đề này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định có thực tế khi tàu ngư dân ra khơi đánh bắt cá thì bị tàu nước ngoài đánh chìm. Để bảo vệ ngư dân bám biển, Chủ tịch nước cho biết chúng ta phải tổ chức tốt cho ngư dân ra đánh bắt cá trên biển theo đoàn để thông tin, hỗ trợ, bảo vệ lẫn nhau.
Đối với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, ông Trần Đại Quang cho rằng phải hỗ trợ và bảo vệ ngư dân đánh bắt cá trên biển. Trong trường hợp bị đe dọa, thì lực lượng này phải có biện pháp hỗ trợ, ngăn chặn, bảo vệ, xua đuổi tàu nước ngoài ra khỏi khu vực biển Việt Nam.
“Khi bị tàu nước ngoài tấn công, đâm chìm tàu cá ngư dân mình, phải ứng cứu để hạn chế thiệt hại cho ngư dân. Ngoài việc hỗ trợ cứu hộ cứu nạn, lực lượng này cần thu thập những chứng cứ bằng cách kịp thời ghi hình để chúng ta củng cố những chứng cứ phản đối, đấu tranh với các tàu nước ngoài xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam” - Chủ tịch nước nói.