Báo South China Morning Post ngày 1-3 dẫn lời một chuyên gia y tế hàng đầu ở Hong Kong rằng dịch COVID-19 có thể xem là đại dịch toàn cầu vì nó đã lây lan rất nhanh chóng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Ca tử vong đầu tiên tại Mỹ là "phần nổi tảng băng trôi"
GS Gabriel Leung, Trưởng khoa y của ĐH Hong Kong (HKU), nói rằng ca tử vong đầu tiên vì dịch COVID-19 tại Mỹ là một điều đáng lo ngại bởi có thể số ca nhiễm tại nước này nhiều hơn con số được xác nhận.
Ca tử vong vì COVID-19 đầu tiên ở Mỹ xảy ra tại Trung tâm Y tế EvergreenHealth ở Kirkland, bang Washington. Ảnh: AP
Trong bài phát biểu trên đài phát thanh, ông Leung nói rằng ca tử vong này có thể là "phần nổi của tảng băng trôi".
“Một ca tử vong có thể có nghĩa là có 100 ca nhiễm được xác nhận trong khu vực. Và có thể chưa ghi nhận đủ các ca nhiễm vì vẫn chưa xét nghiệm đủ số người” - ông nói. “Vì vậy, khi làn sóng bùng phát dịch bệnh có thể được kiểm soát ở Trung Quốc đại lục, thì làn sóng đầu tiên bên ngoài Trung Quốc có thể chỉ mới bắt đầu. Điều này có vẻ không thể tránh khỏi”.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa gọi COVID-19 là đại dịch. Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, các quan chức y tế vẫn chưa chứng kiến vụ lây lan toàn cầu hay dịch bệnh có quy mô lớn, hoặc nhiều người tử vong liên quan đến đại dịch.
Khi được hỏi vì sao COVID-19 chưa phải là đại dịch toàn cầu, ông Leung cho biết một nguyên nhân là vì “nó có thể gây ra nỗi sợ cộng đồng”.
“Về cơ bản, đây là một đại dịch vì nó đang lan rộng tại nhiều quốc gia nhưng WHO chỉ gọi khi sự bùng phát tại một quốc gia vượt quá khả năng kiểm soát” - ông Leung nói.
GS Leung nói rằng dịch bệnh đang được kiểm soát ở Trung Quốc đại lục nhưng các nhà chức trách phải cảnh giác trước làn sóng thứ hai có thể gây ra khi các hoạt động công nghiệp và kinh doanh bắt đầu làm việc trở lại.
Hong Kong và Singapore kiểm soát tốt dịch bệnh
Trước đó, những người đứng đầu ĐH Hong Kong (HKU) đã đến thăm Anh gần đây và được các quan chức Anh khen ngợi vì Hong Kong đã kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19.
“Họ nói rằng cả Singapore và Hong Kong đang kiểm soát tốt bởi vì số lượng các ca nhiễm bệnh ở hai nơi là tương tự nhau” - ông Leung nói. Cho đến nay, Hong Kong và Singapore đã xác nhận lần lượt là 95 và 96 ca nhiễm mới, theo South China Morning Post.
Một phụ nữ Hong Kong đi ngang qua một sân bóng công cộng. Ngày 1-3, Hong Kong xác nhận một ca mới nhiễm COVID-19. Ảnh: AFP
“Dân số Hong Kong cao hơn tới 1/3 so với Singapore, tôi nghĩ rằng đây là điều chúng tôi đạt được cùng nỗ lực của toàn xã hội” - ông nói thêm.
“Đến nay, chúng ta có vài ca nhiễm mới mỗi ngày. Nếu chiến lược ngăn chặn có hiệu quả, chúng tôi hy vọng chỉ có một ca mới trong vài ngày hay vài tuần. Khi đó, chúng ta mới thở phào rằng dịch bệnh đã được ngăn chặn một ít. Nhưng lý tưởng nhất vẫn là trong 28 ngày không có ca nhiễm nào” - ông David Hui nói với South China Morning Post.