Theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi điện đàm với người đồng cấp Mỹ Donald Trump hôm 12-8 đã hối thúc nhà lãnh đạo Mỹ tránh “những lời nói và hành động” gây leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
“Các bên liên quan phải kiềm chế, tránh những lời nói và hành động làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên" - ông Tập Cận Bình nói trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo thông cáo từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, CNN cho biết.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) kêu gọi người đồng cấp Mỹ Donald Trump kiềm chế trong vấn đề Triều Tiên. Ảnh: SCMP
Trong cuộc điện đàm với ông Trump hôm 12-8, ông Tập kêu gọi “các bên kiềm chế” và “kiên định với đường lối chung đối thoại, đàm phán và nhất quán về một cách giải quyết chính trị”. Một số nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh gần như đang cạn kệt đòn bẩy trong việc kiềm chế nước láng giềng Triều Tiên.
SCMP cho biết thoe thông cáo phát đi từ Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng Triều Tiên phải chấm dứt “các hành vi khiêu khích và gây căng thẳng tình hình”. Bắc Kinh cũng lên tiếng báo động về cuộc “đấu khẩu” giữa Bình Nhưỡng và Washington, trong đó ông Trump cảnh báo “đạn đã lên nòng” nếu Triều Tiên “hành động không khôn ngoan”.
Shi Yinhong , GS về quan hệ quốc tế làm việc tại ĐH Renmin, nhận định rằng giống như nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Trump đang thể hiện rõ quan điểm của mình bằng cách đe dọa các cuộc tấn công quân sự nhằm vào Triều Tiên. Theo ông Shi, căng thẳng có thể leo thang hơn nữa khi Mỹ và Hàn Quốc tổ chức tập trận chung quy mô lớn trong tháng này.
Ông Shi nói rằng đã đến lúc Trung Quốc ngưng nói “những lời lẽ tốt đẹp” và gửi tới ông Trump một thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ phản đối chiến tranh. Bắc Kinh cũng nên tuyên bố rằng nước này sẽ không chấp nhận bất kỳ yêu cầu nào vượt ngoài lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc được thông qua trước đó trong tháng 8 này, ông Shi nói.
Tuy nhiên, GS Shi nói rằng Trung Quốc đang hết cách để kiềm chế các tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. “Khủng hoảng bán đảo Triều Tiên là phép thử an ninh chiến lược lớn nhất cho Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn chưa vượt qua được phép thử này. Công cụ cuối cùng mà Trung Quốc có thể sử dụng đó là cắt triệt để nguồn cung cấp dầu mỏ cho Triều Tiên, song việc này có gây ra tác động gì không thì vẫn chưa có câu trả lời” – ông Shi nhấn mạnh.
Căng thẳng leo thang hôm 11-8 khi Nhật Bản triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot ở các tỉnh Đông Shimane, Hiroshima và Kochi. Đây là những khu vực mà tên lửa Triều Tiên có thể bay qua để đe dọa tấn công căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam. Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1, Tổng thống Trump đã thúc ép Trung Quốc phải làm nhiều hơn để ngăn chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, đe dọa trừng phạt thương mại Bắc Kinh nếu nước này không hành động.
Chuyên gia Zhang Tuosheng, làm việc tại Quỹ Trung Quốc về Nghiên cứu chiến lược quốc tế, cảnh báo rằng nguy cơ về một cuộc đối đầu quân sự được tính toán sai lầm đang tăng cao và Trung Quốc nên làm mọi cách có thể để đưa Mỹ và Triều Tiên ngồi lại bàn đàm phán.
“Trong kịch bản xấu nhất, Mỹ có thể cho phép Hàn Quốc và Nhật Bản phát triển vũ khí hạt nhân, gây tổn hại cho sự cân bằng khu vực ở Đông Bắc Á, đặc biệt là cho Trung Quốc” – ông Zhang nói.
Pang Zhongying, giáo sư tại ĐH Hải dương Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh nên thay đổi chiến thuật và nắm bắt cơ hội mở rộng ảnh hưởng của mình trong vấn đề chính trị và an ninh trong khu vực.
“Trung Quốc nên sử dụng sức mạnh kinh tế và đóng vai trò lớn hơn trong việc đối mặt với thách thức từ vấn đề hạt nhân của Triều Tiên nhằm xây dựng sức mạnh trong an ninh khu vực” – ông Pang nhận định.