Chuyện Mỹ rút quân khỏi Iraq liệu có xảy ra?

(PLO)- Nếu Mỹ vẫn tấn công phe thân Iran, đáp trả việc lực lượng này tấn công căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq, liệu chính quyền Baghdad thực sự sẽ yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Iraq?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khả năng Mỹ rút quân khỏi Iraq đang râm ran vài ngày nay và thu hút sự chú ý.

Cuối tuần qua, Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani thông báo sẽ thành lập một ủy ban chịu trách nhiệm chấm dứt vĩnh viễn sự hiện diện của liên minh quân sự quốc tế do Mỹ dẫn đầu ở Iraq, theo hãng tin Reuters.

Theo giới quan sát, bản thân ông Sudani không muốn giải tán liên quân, nhưng vì một số lý do khả năng liên quân này bị giải tán hoặc bị hạn chế hoạt động vẫn rất cao.

Thế khó cho Thủ tướng Sudani

Vụ việc không phải lần đầu tiên chính phủ Iraq tuyên bố sẽ giải tán lực lượng Mỹ ở nước này. Vào tháng 1-2020, để đáp trả việc quân đội Mỹ sát hại chỉ huy quân sự cấp cao của Iran - ông Qassem Soleimani, quốc hội Iraq đã bỏ phiếu về nghị quyết yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Iraq. Tuy nhiên, nghị quyết này chưa bao giờ được thực thi.

Gần đây, trong bối cảnh xung đột Israel-Hamas leo thang ở Trung Đông, kích động nhiều nhóm thân Iran tấn công căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq và Syria khiến Washington đáp trả, các tranh cãi xoay quanh việc yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Iraq và giải tán liên quân do Mỹ dẫn đầu lại dấy lên trong giới cầm quyền Iraq. Đặc biệt là sau vụ không kích bằng máy bay không người lái (UAV) ngày 4-1 của Mỹ vào thủ đô Baghdad (Iraq) tiêu diệt ông Mushtaq Jawad Kazim al Jawari, một thủ lĩnh nhóm dân quân Hashed al-Shaabi Washington cho là có liên hệ với Iran.

Mỹ rút quân khỏi Iraq
Lực lượng an ninh Iraq tuần tra thủ đô Baghdad, sau vụ không kích của Mỹ tiêu diệt ông Mushtaq Jawad Kazim al Jawari vào ngày 4-1. Ảnh: REUTERS

Một cố vấn chính trị thân cận với Thủ tướng Sudani nói với Reuters rằng sự cứng rắn của Washington đang tạo áp lực cho ông Sudani buộc Mỹ rút quân khỏi Iraq. Trở lại tháng 10-2022, khi ông Sudani đắc cử thủ tướng Iraq. Khi đó, ông đã nhận được sự ủng hộ từ các đảng theo Hồi giáo dòng Shiite hùng mạnh thân Iran ở Iraq - những đảng này giờ đây đang có ảnh hưởng lớn trong liên minh cầm quyền của ông Sudani và buộc chính phủ Iraq phải yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Iraq.

Để duy trì sự ủng hộ của các đảng theo Hồi giáo dòng Shiite, ông Sudani buộc phải kiên quyết hơn với Mỹ. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Iraq cũng mong muốn giữ quan hệ tốt đẹp với Washington.

Tờ Politico ngày 9-1 dẫn một tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các cố vấn cấp cao của ông Sudani đã nói với các quan chức Mỹ rằng việc giải tán liên quân chỉ là “một nỗ lực nhằm làm hài lòng khán giả chính trị trong nước” và bản thân ông Sudani “vẫn cam kết” đàm phán về sự hiện diện trong tương lai của liên minh Mỹ tại Iraq.

Phía Mỹ chưa bình luận về báo cáo trên nhưng trước đó Lầu Năm Góc cho biết Washington hiện không có kế hoạch rút quân khỏi Iraq và binh sĩ Mỹ vẫn “tiếp tục tập trung cao độ vào nhiệm vụ đánh bại phiến quân tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)” ở Trung Đông. Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng nhấn mạnh rằng sự hiện diện của Mỹ ở Iraq là theo lời mời của chính phủ Baghdad vào năm 2014 để đối phó với sự hoành hành của IS vào thời điểm đó.

Khả năng giải tán liên quân?

Liên minh quân sự quốc tế do Mỹ dẫn đầu được thành lập vào tháng 6-2014 dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong gần 10 năm qua, liên minh đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các lực lượng địa phương chống lại IS.

Theo trang tin Vox, vào tháng 3-2019, sau 5 năm ròng rã chiến đấu, liên minh đã phá hủy được phần lớn cơ sở hạ tầng của IS và đẩy IS ra khỏi các vùng lãnh thổ ở Iraq và Syria mà tổ chức này từng kiểm soát. Tháng 10 năm đó, thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi đã chết trong một cuộc đột kích của quân đội Mỹ vào TP Idlib (tây bắc Syria).

Mỹ rút quân khỏi Iraq
Các binh sĩ Mỹ tại căn cứ không quân Al Asad (Iraq) vào tháng 2-2023. Ảnh: QUÂN ĐỘI MỸ

Dù đạt được nhiều mục tiêu nhưng liên quân do Mỹ dẫn đầu vẫn không thể tiêu diệt hoàn toàn IS do mạng lưới của tổ chức này bao phủ khắp nơi trên thế giới. Năm 2021, Washington và Baghdad đã công bố kế hoạch chuyển sứ mệnh của liên quân sang vai trò cố vấn thuần túy. Dù vậy, đến nay, 2.500 binh sĩ Mỹ vẫn ở Iraq và 900 binh sĩ Mỹ hiện diện ở nước láng giềng Syria để ứng phó mối đe dọa từ IS.

Ngoài vai trò ứng phó IS, đối với chính quyền Mỹ, liên minh quân sự ở Iraq còn một nhiệm vụ khác là kiềm chế sức ảnh hưởng của Iran trong khu vực và gần đây hơn là hạn chế xung đột Israel-Hamas lan rộng.

Cả chính quyền Thủ tướng Sudani và chính quyền Tổng thống Joe Biden đều không mong muốn liên quân giải tán khỏi Iraq nhưng áp lực từ bên ngoài khiến cả hai nhà lãnh đạo khó giữ được liên quân ở lại.

Về phần thủ tướng Sudani, chuyên gia Jennifer Kavanagh tại viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (International Peace, trụ sở tại Mỹ) cho rằng vụ trả đũa gần đây của Mỹ “đã làm thay đổi cán cân trong nước”, buộc ông Sudani phải có động thái trấn an dư luận.

Bà Kavanagh cho rằng các tranh luận xung quanh việc giải tán liên quân Mỹ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn ở Iraq trong thời gian tới. Theo chuyên gia, dù liên quân không bị giải tán thì Iraq cũng sẽ hạn chế phạm vi hoạt động của liên quân, buộc Mỹ phải hành xử thận trọng hơn.

Về phía Mỹ, mối đe dọa từ các nhóm thân Iran đối với lực lượng Mỹ ở Trung Đông vẫn chưa biến mất. Mới đây, trang Middle East Monitor đưa tin, ngày 7-1, nhóm vũ trang tự xưng Lực lượng Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq đã tuyên bố tấn công bằng UAV vào một căn cứ quân sự Mỹ ở TP Hasakah (Syria). Nhóm này cũng cảnh báo sẽ “tiếp tục phá hủy các thành trì của kẻ thù” nếu Mỹ vẫn ủng hộ Israel. Theo giới quan sát, những diễn biến này khiến Mỹ khó mà kiềm chế.

“Nếu có thêm bất kỳ cuộc tấn công nào của Mỹ ở Iraq, Baghdad có thể sẽ đủ động lực để trục xuất lực lượng Mỹ khỏi nước này” - bà Kavanagh dự đoán tương lai của liên minh quân sự Mỹ ở Iraq.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm