Tổng thống Mỹ Donald Trump đã can thiệp vào quá trình ra quyết định tại Lầu Năm Góc để đảo ngược kế hoạch rút tàu sân bay USS Nimitz từ Trung Đông về nước, đài CNN ngày 4-1 đưa tin.
Ngày 31-12-2020, Lầu Năm Góc thông báo rằng quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Miller đã ra lệnh rút tàu sân bay USS Nimitz về nước.
Tuy nhiên, vào ngày 3-1, Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra thông báo mới rằng tàu USS Nimitz và nhóm tàu hộ tống sẽ tiếp tục nhiệm vụ ở Trung Đông "vì những mối đe doạ gần đây từ các lãnh đạo Iran đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng các quan chức chính phủ Mỹ khác".
Nguồn tin của CNN cho biết chính ông Trump ra lệnh cho ông Miller đảo ngược quyết định hôm 31-12-2020 để giữ tàu sân bay Mỹ ở gần Iran.
Tàu sân bay Mỹ USS Nimitz ở biển Ả Rập hôm 7-9-2020. Ảnh: AP
Một quan chức quốc phòng ở Washington chia sẻ với CNN rằng ông Miller có ý định giảm leo thang căng thẳng ở Trung Đông. Sự ý tưởng này của ông Miller đã khiến nhiều tướng lĩnh Mỹ bất ngờ.
Theo quan chức này, Bộ Tư lệnh Trung tâm (CENTCOM - chịu trách nhiệm khu vực Trung Đông) muốn tàu sân bay ở lại khu vực để răn đe Iran trong giai đoạn chuyển tiếp quyền lực đầy nhạy cảm ở Nhà Trắng, cũng như trong thời gian Iran tưởng niệm một năm vụ Tướng Qassem Soleimani bị Mỹ ám sát hồi đầu năm 2020.
Dù ý tưởng "giảm leo thang căng thẳnh" của ông Miller chưa được thông qua như một chính sách chính thức, việc rút tàu USS Nimitz về nước đã được tính toán trong nhiều tháng qua.
Việc rút tàu USS Nimitz về nước vốn được lên kế hoạch tiến hành từ đầu tháng 12-2020 nhưng đã bị dời lại gần một tháng vì những lo ngại liên quan tới các nguy cơ tiềm tàng sau vụ nhà khoa học hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát hồi cuối tháng 11-2020.
Một nhà ngoại giao châu Âu chia sẻ với CNN rằng có vẻ những mầm mống căng thẳng giữa Iran và Mỹ vẫn chưa giảm bớt. Người này cho rằng cả Washington và Tehran đều có thể thực hiện những bước đi sai lầm, trong khi không phải bên nào cũng luôn tỉnh táo để điều chỉnh chính sách phù hợp với "lằn ranh đỏ" của bên còn lại.
Giới quan sát quốc tế cho rằng Iran quan tâm đến việc Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sắp nhậm chức có thể thay đổi mạnh mẽ cách tiếp cận của Washington đối với Tehran.
Một quan chức thường xuyên theo dõi tình hình Trung Đông nhận định rằng "Iran hiểu là trong vài ngày tới, cuộc chơi (giữa Tehran và Washington - PV) sẽ bắt đầu trở lại và nếu họ làm điều gì đó ngu ngốc ngay lúc này, điều đó sẽ không giúp ích gì cho vị thế của họ".
Trái với suy đoán của các chuyên gia về cách tiếp cận thận trọng từ Iran, chính quyền Tehran đang kiên quyết với các hành động của mình.
Mới đây, trong ngày 4-1, Iran đã bắt giữ một tàu chở dầu treo cờ Hàn Quốc - một đồng minh của Mỹ. Tehran cho rằng tàu này đã vi phạm quy định về môi trường hàng hải.
Hàn Quốc đã ngay lập tức ra tuyên bố phản đối hành động của Iran và cử đơn vị chống cướp biển tới Trung Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên tiếng ủng hộ lập trường của Seoul trong vụ việc này.
Cùng ngày 4-1, Iran cũng thông báo chính thức tăng mức làm giàu uranium lên 20%, vượt xa ngưỡng cam kết theo thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.