Đài CNN đưa tin chính quyền Thái Lan được cho là đã từ chối tiếp nhận hơn 2.000 người đang cố chạy trốn khỏi Myanmar sau một loạt các cuộc không kích do chính quyền quân sự thực hiện ở phía đông nam của đất nước này.
Chạy vào rừng trốn không kích
Lực lượng dân quân Liên minh Quốc gia Karen (KNU) ngày 30-3 cho biết có khoảng 2.009 người bị buộc trở lại Myanmar trong số 3.000 người vượt sông Salween vào Thái Lan và hiện đang phải ẩn náu trong rừng.
Trước đó, hôm 28-3, hàng nghìn người dân Myanmar sống ở bang Karen, phía đông nam nước này, đã phải rời bỏ nhà cửa sau khi máy bay phản lực của quân đội không kích các ngôi làng do một nhóm vũ trang thiểu số kiểm soát.
Hầu hết những người vượt biên đều đến từ huyện Mu Traw, nơi xảy ra các cuộc không kích. KNU cho biết ba thường dân đã thiệt mạng trong các cuộc không kích, bắt đầu từ ngày 27-3 và tiếp tục diễn ra tới ngày 29-3.
Thuyền của người dân bang Karen sử dụng để chạy trốn khỏi các cuộc không kích của quân đội Myanmar vào ngày 28-3. Ảnh: CNN
Tổ chức Phụ nữ Karen (KWO), hoạt động ở bang Karen và các trại tị nạn ở Thái Lan, xác nhận các cuộc không kích đã buộc 10.000 người ở bang này phải rời bỏ nhà, và 3.000 người đã vượt biên sang Thái Lan.
Theo báo cáo, dòng người chạy trốn sang Thái Lan đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc ở Myanmar, vốn rơi vào tình trạng hỗn loạn khi quân đội tiến hành cuộc chính biến vào ngày 1-2.
Chính quyền Thái Lan phủ nhận
Hiện chính quyền Thái Lan vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về vấn đề này, song ông Thichai Jindaluang, người đứng đầu tỉnh Mae Hong Son, Thái Lan, đã phủ nhận thông tin những người tị nạn bị nước này từ chối hỗ trợ.
Liên hệ với Bộ Ngoại giao Thái Lan, CNN cho biết cơ quan này viện dẫn một tuyên bố được truyền thông địa phương đăng tải, nói rằng: "Những thông tin trên đến từ các nguồn không chính thức trong khi các nguồn chính thức khẳng định rằng không có sự việc nào như vậy diễn ra”.
Cùng ngày, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha khẳng định các quan chức nước này không buộc những người tị nạn trở lại Myanmar, nhưng họ đã nói chuyện với một số người đi qua biên giới Thái Lan.
Người dân bang Karen chạy trốn khỏi các cuộc không kích của quân đội Myanmar nghỉ ngơi trong một khu rừng sau khi băng qua biên giới Myanmar-Thái Lan vào ngày 28-3. Ảnh: CNN
"Sau khi chúng tôi hỏi những câu hỏi như vấn đề của họ ở đất nước họ là gì, họ trả lời 'không có vấn đề gì'. Vậy nếu không có vấn đề gì, họ có thể trở về nhà trong thời gian này không? Chúng tôi không bắt họ quay lại, thậm chí chúng tôi còn bắt tay và chúc may mắn cho họ" - ông Prayut nói trong một cuộc họp báo.
"Chúng tôi luôn bảo đảm những nguyên tắc hỗ trợ nhân đạo của mình. Chúng tôi có rất nhiều kinh nghiệm. Chúng tôi sẽ không bao giờ từ chối hỗ trợ họ nếu chiến sự vẫn đang tiếp diễn. Nhưng nếu không có, vậy họ sẽ quay trở lại nhà của họ chứ?" - Thủ tướng Thái Lan nhận định.
Dù chính phủ Thái Lan phủ nhận nhưng một số nhóm nhân quyền đã chỉ trích thái độ từ chối tiếp nhận người tị nạn Myanmar của nước này.
"Cưỡng ép đưa người dân trở lại khu vực xung đột là hành vi vi phạm luật tị nạn quốc tế" - một nhóm cộng đồng người Karen sống tại một số quốc gia ở châu Âu chỉ trích.
Các cuộc không kích đã buộc 10.000 người ở bang Karen phải rời khỏi nhà của họ, và 3.000 người đã vượt biên sang Thái Lan. Ảnh: CNN
Thái Lan đã tiếp nhận hàng chục nghìn người tị nạn tại chín khu trại dọc biên giới với Myanmar trong suốt ba thập niên qua, sau các cuộc xung đột vũ trang giữa quân đội Myanmar và các nhóm vũ trang thiểu số nước này.
Hơn 500 người chết
Các cuộc không kích diễn ra sau cuộc đàn áp biểu tình đẫm máu nhất ở Myanmar trước đó một ngày khiến cộng đồng quốc tế lên án. Ít nhất 114 người biểu tình đã thiệt mạng hôm 27-3, trong đó có cả trẻ em.
Theo Hiệp hội Hỗ trợ Các Tù nhân Chính trị (AAPP), từ thời điểm xảy ra chính biến đến hiện tại, ít nhất 510 người dân đã thiệt mạng, với 14 người vừa bị bắn chết hôm 29-3, bao gồm cả trẻ em và thanh niên.
Quân đội Myanmar tiến hành cuộc chính biến với lý do cuộc bầu cử hồi tháng 1-2020 mà đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của nhà lãnh đạo được bầu Aung San Suu Kyi đã giành chiến thắng là gian lận, điều mà ủy ban bầu cử của nước này đã bác bỏ.
Bà Suu Kyi hiện vẫn đang bị giam giữ tại một địa điểm không được tiết lộ. Nhiều nhân vật khác trong đảng NLD cũng đang bị giam giữ, CNN đưa tin.