Cả hai chơi một thứ bóng đá thực dụng và rất cơ bắp nhưng nhiều lúc cứ như “bóng đá robot” với một chương trình được cài đặt sẵn. Hai đội tuân thủ đấu pháp một cách khoa học cùng với đó là sút và chạy.
Hiệp 1 trôi qua không bên nào ghi được bàn thắng. Thụy Sĩ có vài pha uy hiếp khung thành thủ môn Olsen nhưng thực tế những cơ hội đó không sáng. Ngược lại, nếu các chân sút Thụy Điển tinh tế thì trong hai cơ hội rõ ràng ở hiệp 1, nhất là ở phút 41 với cú đệm lòng của Ekdal khéo hơn thì Thụy Điển có ít nhất một bàn thắng.
Forsberg (10), cầu thủ thực hiện cú sút xa chạm chân trung vệ Akanji làm đổi hướng bay tạo nên quỹ đạo hiểm thành bàn duy nhất của trận đấu. Ảnh: fifa.com
Sang hiệp 2, nhịp độ trận đấu diễn ra với tốc độ cao nhưng thiếu đột biến. Mãi đến phút 66, Thụy Điển có một pha phối hợp đan xen cực đẹp từ giữa sân để Forsberg di chuyển sát vòng cung 16,5 m ra chân. Bóng bay sệt và căng đúng hướng thủ môn Sommer nhưng cái chân vô duyên của trung vệ Akanji làm đổi hướng bay, tạo thành quỹ đạo hiểm làm ngỡ ngàng thủ môn Sommer.
Thua bàn, Thụy Sĩ dồn lên tìm bàn gỡ nhưng gặp phải hàng phòng ngự rắn chắc và có chiều sâu của Thụy Điển khiến hàng loạt cú sút hoặc bật rừng áo vàng, hoặc bị thủ môn Olsen cản phá.
Càng đẩy cao nhịp độ trận đấu, Thụy Sĩ càng rơi vào cái bẫy thể lực của Thụy Điển vốn rất mạnh, khỏe, cao to.
Phút bù giờ cuối cùng, Thụy Sĩ còn mất người do Michael Lang truy cản trái phép với Olsson trong một pha phản công dẫn đến bị thẻ đỏ.
Thụy Điển chơi không hay nhưng hợp lý hơn và có nhiều cơ hội hơn đã giành vé vào tứ kết nhờ cái chân vô duyên của trung vệ Thụy Sĩ.