Ông Vũ Sơn Hà, Trưởng bộ môn karate Tổng cục TDTT, khi nghe tin Ngoan chơi đối kháng thắng cả sáu đối thủ sừng sỏ để lên ngôi vô địch thế giới đã nói như reo: “Kỳ tích rồi! Giải K1 này ở Đức hội tụ toàn cao thủ mạnh nhất của thế giới. Con bé Ngoan này ngoan nhỉ!”.
Tuổi thơ khốn khó của nhà vô địch thế giới
Đeo chiếc huy chương vàng trên cổ áo đẫm mồ hôi, Ngoan đã vội nhắn tin về ngay cho mẹ. Bà Nguyễn Thị Tú (mẹ Ngoan) ứa nước mắt hạnh phúc, hứa ngày mai sẽ mua ngay 1 kg thịt heo đãi bà con hàng xóm.
Bà Tú kể ngày xưa của mẹ con bà chỉ mới cách đây chục năm thôi, nhà nghèo rớt mồng tơi, ăn bữa no bữa đói. Cha Ngoan đau yếu liên miên, tính khí lại khác thường nên chị cả Ngoan và hai em gái từ nhỏ sống nhờ vào gánh hàng nước, bánh trái của mẹ ngoài đầu ngõ.
10 năm trước, Nguyễn Thị Ngoan từng xin mẹ cho học võ cách nhà 7 km. Mỗi ngày sau buổi học văn hóa, con bé mới lớp 4 lại ba chân bốn cẳng đến lớp võ đấm đấm đá đá không biết mệt. Sáng sớm, Ngoan tranh thủ đi lấy 100 cái bánh mì ngồi gần hàng nước của mẹ, bán xong thì đi học. Ngày nào bán ế mấy mẹ con Ngoan ăn bánh mì trừ cơm.
Thấy con gái vất vả, bà Tú chần chừ mãi mới dám vay mượn mua cho Ngoan chiếc xe đạp mấy trăm ngàn. Bốn năm trước, hai mẹ con dành dụm mãi mới mua chiếc xe máy. Bà Tú bùi ngùi nhớ lại cái lần đầu tiên Ngoan nhận lương khi còn tập ở đội karate Hà Nội, Ngoan cầm 320.000 đồng dúi vào tay mẹ, nói mẹ thích gì thì cứ mua cho các em ăn, Ngoan có suất ăn ở đơn vị rồi, ngon lắm!
Ảnh bé Ngoan bây giờ ở làng võ và ảnh bé Ngoan hồi nhỏ thiếu ăn. Ảnh: CCT
Nguyễn Thị Ngoan (phải) tập luyện cùng các đồng đội nam. Ảnh: CCT
Bây giờ thì bé Ngoan bán bánh mì ngày nào đã trở thành nhà vô địch thế giới rạng danh cho thể thao nước nhà. Ảnh: CCT
Từ ước mơ của người mẹ nghèo…
Tâm sự với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Tú nhiều lần chợt ngưng lại nghẹn ngào: “Tôi xuất thân quê mùa, nghèo đói kiểu nào cũng chịu được nhưng cái nghèo cứ đeo đẳng mãi đến khổ đời con. Nói thật với chú, có nhiều lần tôi muốn chết đi cho rồi, vì cảm giác mình bất lực quá! Thế rồi nhìn ba đứa con nheo nhóc cứ bám víu lấy mẹ, tôi lại nuốt nước mắt vào trong…”.
Hồi năm 1998 sinh ra Ngoan, người mẹ nghèo thiếu ăn chẳng có sữa cho con bú. Mỗi lần cho thêm đường pha nước gạo lừa con bú, bà Tú không bao giờ ngăn nổi dòng nước mắt tủi phận. Ra tháng là phải đi làm, bà Tú tằn tiện lắm cũng chỉ đủ tiền mua cho con hộp sữa ông Thọ. Vậy mà nhờ trời thương, bé Ngoan cứ lớn nhanh như thổi, hồn nhiên như cây cỏ.
Rồi chợt nhớ ra, bà Tú cười thật hiền: “Hồi còn nhỏ, tôi thường ao ước học đánh võ lắm, cũng chẳng biết phải chơi môn nào cả, chỉ biết là thích thôi. Có bầu cái Ngoan, nó đạp tôi đau điếng, chắc đam mê võ nghệ từ trong bụng mẹ rồi”.
Nói đoạn, bà Tú lại chảy nước mắt: “Có khi tôi không có một đồng bạc nào đóng tiền học võ cho con, nó khóc hoài. Để con nghỉ đâu một vài ngày, tôi lại chắt bóp cho nó theo học, không là nhìn nó rũ rượi tội lắm”.
… Đến những bữa cơm có thịt vẫn chỉ thích ăn dưa cà
Từ một năm nay, bà Tú mắc bệnh đau lưng, hậu quả của những ngày dài còng lưng bắt ốc, bắt hến kiếm cơm qua ngày, hay ai gọi làm mướn có tiền rau cháo, bà lại đi. Miếng ngon nhất của mẹ con Ngoan là cái má heo, người ta bán rẻ nhất, với vài miếng đậu hũ chiên. Cho nên con gái lớn từ ngày tập ở CLB Karate quân đội có chút tiền gửi về, nằng nặc bắt mẹ phải ở nhà nghỉ dưỡng bệnh.
Gần nhà có bác Phượng chẳng bà con thân thích gì, chỉ thấy mẹ con Ngoan nghèo khổ quá thì thương thôi. Suốt 10 năm qua, bác Tô Thị Phượng gần gũi với gia đình bà Tú như chị em trong nhà, có miếng gì ngon cũng san sẻ cho nhau.
Ngoan mới đi Đức đánh giải có mấy ngày, bà Phượng mong tin nó mỗi giờ. Bà kể: “Ngoan là một đứa trẻ ngoan hiền. Trông bề ngoài nó mạnh mẽ vậy thôi chứ sống tình cảm lắm! Và hay khóc nhè nữa chứ. Đi tập hay đấu giải thì đi, về đến nhà là cứ lẽo đẽo theo mẹ với bác. Đi khắp nơi trên thế giới nhưng cái Ngoan vẫn thích về chui vào lòng hai chị em tôi. Giờ nó ăn món ngon vật lạ không thiếu thứ gì, về lại chạy sang bác nũng nịu bắt bác nấu cơm cà muối cho ăn. Nhiều lần nó ôm tôi và nói: “Con chỉ mơ ước sau này con thành tài có tiền sẽ đưa mẹ và bác đi du lịch khắp nơi”.
Con bé lì lợm và mạnh mẽ trên sàn đấu thế thôi, chứ nó có tấm lòng nhân hậu lắm! Có lần đi đường gặp một hoàn cảnh thương tâm, nó nhớ đến cuộc sống cơ cực của mình hay sao đó, phải bắt dừng xe xuống giúp người ta mới đi. Xong nó còn cười nói với tôi rằng nhà mình cũng khổ nhưng con thấy họ khổ hơn, thương lắm!”.
Mẹ Ngoan ngồi kể chuyện cứ ngập ngừng đứt quãng, có lúc bác Phượng phải nói thay: “Mẹ con nó nghèo thảm thương lắm! Nhớ lần cái Ngoan chán nản muốn buông xuôi tất cả. Gần Tết nó buồn, bỏ nhà đi chơi không nói cho ai biết. Tôi và mẹ nó đi tìm khắp nơi. Gặp rồi mẹ con, bác cháu ôm nhau khóc ròng. Tôi la cháu, hoàn cảnh gia đình đã vậy, con buông bỏ thì mẹ và em con sẽ sống như thế nào. Cũng may cháu bản lĩnh, sau lần đó hiểu ra và có thêm nghị lực phấn đấu”.
Kể xong, bà Phượng cười ngất: “Đấy, cũng may cháu nó còn biết nghĩ. Nếu không thì làm gì có nữ võ sĩ Nguyễn Thị Ngoan vô địch thế giới cho các chú hỏi, nhỉ. Biết đâu nó chả lại thành Ngoan xã hội đen rồi ấy chứ”.
“Con thắng rồi, mẹ ơi!” Ngày đánh trận bán kết, Nguyễn Thị Ngoan từ Đức nhắn tin về khoe với mẹ và bác: “Con thắng cả nhà vô địch thế giới rồi nè. Ngày mai con vào chung kết, con lo lắm!”. Sáng 11-9, con bé gọi về: “Con thắng rồi, mẹ ơi!” . Chức vô địch karate hạng 61 kg của nữ võ sĩ Nguyễn Thị Ngoan đã đi vào lịch sử karate Việt Nam cho lần đầu tiên và quan trọng hơn, giải còn là hệ thống tính điểm cho Olympic Tokyo 2020. Cô gái 19 tuổi đã tạo ấn tượng mạnh cho làng võ karate thế giới sau khi được miễn vòng 1 đã lần lượt đánh thắng các nữ võ sĩ của Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, Mỹ, Pháp. Trận khó nhất của Ngoan lại là bán kết biến võ sĩ người Áo thành cựu vô địch thế giới. Đến chung kết giáp mặt Jumaa Haya của Canada, cô gái Việt Nam bị dẫn điểm 1-3 trong hai hiệp đầu. Tuy nhiên, sự kiên cường của Ngoan đã khiến Haya phạm sai lầm khi mắc bốn lỗi kỹ thuật liền bị trọng tài xử thua. Khóc ở nhà, không khóc khi thua trận SEA Games 29 vừa diễn ra, Nguyễn Thị Ngoan vào đến chung kết nội dung kumite 61 kg nhưng sơ sẩy để thua nữ võ sĩ Indonesia. Ngoan buồn lắm nhưng không khóc! Mẹ Ngoan nói hồi thầy Nguyên (HLV Phạm Trần Nguyên của quân đội) làm tiệc đãi chiếc huy chương bạc cho học trò, ông khuyên bảo: “Mình con nhà võ, ra trận chiến đấu, thắng thua là chuyện bình thường. Thầy dặn con không bao giờ để thua mà khóc cả. Giờ con có buồn, cứ về nhà khóc đi”. Thầy Nguyên nói vậy mà con bé khóc thật, làm mẹ nó ngồi cạnh khóc theo. Nó hứa với thầy sẽ luôn cố gắng để không phụ lòng người thân đã quan tâm, lo lắng. Lời hứa của Ngoan cuối cùng đã thành hiện thực. |