Chiều 22-5, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội (UB) Nguyễn Đức Hải đã trình bày báo cáo thẩm tra về quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015.
Theo đánh giá của UB trong năm 2015, công tác chống thất thu, thu nợ đọng thuế đã được tổ chức triển khai quyết liệt tuy nhiên việc xử lý các vi phạm có nơi còn chưa đúng quy định, tính răn đe chưa đủ mạnh, tình trạng khai man, trốn thuế ở khu vực ngoài quốc doanh và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chưa được khắc phục triệt để; tình trạng nợ đọng thuế do ngành thuế quản lý vẫn còn lớn.
Kết quả kiểm toán và thanh tra cho thấy, hầu hết các tổ chức, cá nhân đều kê khai chưa đầy đủ các khoản phải nộp NSNN ở các mức độ khác nhau. Ngoài ra, cơ chế tự tính tự khai, tự nộp thuế là cơ chế ưu việt trong quản lý thuế nhưng có nơi, có chỗ bị lợi dụng vì ý thức của người nộp thuế chưa cao, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát thuế chưa hiệu quả.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra về quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015
Do đó, UB này đề nghị Chính phủ có giải pháp mạnh mẽ hơn để khắc phục triệt để những hạn chế trong công tác quản lý thu NSNN, chú ý việc nâng cao trình độ chuyên môn và phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực thu thuế.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2015 thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo chế độ là hơn 92.000 tỉ đồng. Kết quả kiểm toán cho thấy, ngoài số hoàn thuế 92.000 tỉ đồng, còn phải chuyển sang năm 2016 tiếp tục hoàn thuế đối với các Quyết định hoàn thuế năm 2015 do thiếu nguồn hơn 5.800 tỉ đồng.
UB cho rằng việc chưa chi trả số tiền hơn 5.800 tỉ đồng trên là không bảo đảm tính kịp thời theo quy định, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người nộp thuế; đề nghị các năm sau, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính cần cân đối, điều hành không để tình trạng này tái diễn.
Ngoài ra, Ủy ban cho biết năm 2015 chi thường xuyên vẫn còn tình trạng lãng phí, chi sai, không đúng mục đích; một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán. Trong khi đó, tình trạng sai phạm, thất thoát, lãng phí trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản diễn ra khá phổ biến và chưa được khắc phục hữu hiệu, sai phạm vẫn xảy ra ở hầu hết các dự án được kiểm toán và hầu hết các khâu của quá trình đầu tư.
“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương tài chính”- Báo cáo của Ủy ban Tài chính – Ngân sách nêu kiến nghị.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đọc báo cáo NSNN năm 2015. Theo đó, năm 2015 các bộ, cơ quan trung ương và địa phương xử lý các hình thức kỷ luật đối với 402 tổ chức và 748 cá nhân có sai phạm trong quản lý tài chính - ngân sách.