Có gì trong gói bảo dưỡng tên lửa Patriot mà Đài Loan vừa ký với Mỹ?

(PLO)- Việc bảo dưỡng tên lửa PAC-3 và đảm bảo hiệu suất của dòng tên lửa này là rất quan trọng đối với hệ thống phòng không của Đài Loan.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hãng tin CNA dẫn một nguồn thạo tin cho biết Đài Loan đã ký với Mỹ một hợp đồng trị giá 2,5 tỉ Đài tệ (tương đương 83,39 triệu USD) để bảo trì hệ thống tên lửa phòng không Patriot MIM-104F (PAC-3) của hòn đảo.

Đài Loan ký thỏa thuận bảo dưỡng tên lửa với Mỹ. Ảnh: CNA

Đài Loan ký thỏa thuận bảo dưỡng tên lửa với Mỹ. Ảnh: CNA

Thoả thuận, được công bố hôm 11-8 trên trang web Hệ thống mua sắm điện tử của chính quyền Đài Loan, được ký giữa một phái bộ phòng vệ Đài Loan tại Mỹ và Viện Mỹ tại Đài Loan.

Nhiều điều khoản quan trọng

Hợp đồng trên có hiệu lực từ ngày 20-7 năm nay tới ngày 31-12-2026. Các điều khoản được nêu ra trong hợp đồng bao gồm việc Đài Bắc sẽ tham gia vào "chương trình dịch vụ kỹ thuật quốc tế và chương trình giám sát thực địa" của tên lửa Patriot, được thiết kế để đảm bảo độ tin cậy và hiệu suất của tên lửa này.

Các dịch vụ trên ban đầu được định giá 100 triệu USD, song thông qua các cuộc đàm phán giữa Đài Bắc và Washington thì đơn giá của hợp đồng đã giảm xuống.

Đài Loan triển khai tên lửa PAC-3 từ năm 2007, khi bắt đầu nâng cấp hệ thống tên lửa PAC-2 mà hòn đảo mua được vào cuối những năm 1990 và đầu năm 2000. Đài Bắc cũng mua hệ thống tên lửa PAC-3 vào cuối những năm 2000.

Một nguồn tin từ lực lượng phòng vệ Đài Loan cho biết việc bảo trì tên lửa Patriot MIM-104F và đảm bảo hiệu suất của chúng là rất quan trọng đối với hệ thống phòng không của Đài Loan.

Hệ thống tên lửa loại MIM-104 hiện tại của Đài Loan bao gồm MIM-104F và tên lửa tăng cường dẫn đường Patriot (GEM), cả hai đều được trang bị thêm từ tên lửa MIM-104C.

Ngoài ra, Đài Loan cũng sẽ nhận được hai đợt tên lửa Patriot PAC-3 MSE vào năm 2025 và 2026.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất được thiết kế để bắn hạ máy bay và tên lửa đạn đạo. Đây đều là những năng lực mà các chuyên gia cho rằng Đài Loan rất cần trong bối cảnh Trung Quốc thường xuyên điều máy bay quân sự xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không và các vụ phóng tên lửa đạn đạo vào tuần trước.

Đài Loan 'tăng gia sản xuất' tên lửa

Vào ngày 13-8, báo cáo của Cơ quan Phòng vệ Đài Loan do hãng CNA công bố cho biết việc hoàn thành các cơ sở sản xuất tên lửa mới sẽ cho phép Viện Khoa học và Công nghệ Trung Sơn - nhà sản xuất vũ khí nội địa hàng đầu Đài Loan - tăng gấp đôi sản lượng tên lửa lên 500 quả hàng năm.

Hiện tại, năng suất hàng năm của Viện này là 200 quả với sáu loại tên lửa nội địa. Do đó, với kế hoạh mở rộng cơ sở sản xuất có thể giúp tăng gấp đôi số lượng tên lửa sản xuất ra.

Theo đó, năng lực sản xuất hàng năm của từng loại tên lửa cụ thể như sau: tên lửa Thiên Kiếm II được nâng từ 40 lên 50 quả; tên lửa Thiên Cung III từ 48 lên 96 quả; tên lửa chống hạm Hùng Phòng III từ 20 lên 70 quả; tên lửa hành trình Hùng Phong II và Hùng Phong từ 81 lên 131 quả; và tên lửa Vạn Kiếm được nâng từ 18 lên 50 quả.

Các thông tin được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại eo biển Đài Loan. Nhằm đáp trả chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan, Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp đáp trả bao gồm tổ chức các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan, trừng phạt kinh tế hòn đảo cũng như huỷ nhiều cơ chế hợp tác song phương Mỹ-Trung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm