Có nên làm tuyến tàu điện tự lái dài 30 km, vốn đầu tư 20.000 tỉ đồng ở TP.HCM?

(PLO)- Hiện nay một số nước trên thế giới đã xây dựng tuyến tàu điện trên cao lái tự động, phát huy hiệu quả, chi phí giải phóng mặt bằng thấp...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Công ty Cổ phần Công viên Thạch Bàn vừa đề xuất làm tuyến tàu điện tự lái, có tổng chiều dài 30 km, với tổng mức đầu tư khoảng 20.000 tỉ đồng tại T.PHCM.

Cụ thể, doanh nghiệp này đề xuất xây dựng tuyến tàu điện trên cao lái tự động (AGT) lộ trình sân bay Tân Sơn Nhất - Trung tâm TP - Công viên Văn hóa Đầm Sen. Đáng chú ý, tuyến tàu điện sẽ đi qua nhiều kênh rạch gồm kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Tàu điện tự lái giải quyết tình trạng ùn ứ

Theo đề xuất, AGT này nằm hoàn toàn trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, sông Sài Gòn, rạch Bến Nghé, kênh Đôi, kênh Tân Hóa và đường Lạc Long Quân, vì vậy hoàn toàn không gặp vấn đề về giải phóng mặt bằng (GPMB).

Một đoạn tàu điện tự lái sẽ đi qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Theo đề xuất, một đoạn tàu điện tự lái sẽ đi qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: NHƯ NGỌC

Dự án chia làm 3 giai đoạn đầu tư: Giai đoạn 1: Sân bay Tân Sơn Nhất - Cù lao Nguyễn Kiệu: 12,7km chạy trên Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Giai đoạn 2: Cù lao Nguyễn Kiệu - Cầu Bà Tăng, quận 8: 5,7km chạy theo Kênh Đôi.

Giai đoạn 3: Cầu Bà Tàng, quận 8 - Giao lộ Hoàng Văn Thụ, Út Tịch: 11,5km theo Kênh Tân Hóa, Đường Lạc Long Quân.

Tuyến tàu điện tự lái sẽ giải quyết trực tiếp tình trạng ùn tắc tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, với ưu thế vượt trội do chuyển làn linh hoạt so với monorail (vận tải đường ray đơn).

Tuy nhiên, hiện nay tuyến tàu điện này chưa có trong quy hoạch. Do đó, Sở GTVT TP cho biết, đơn vị này đang đề nghị các sở ngành xem xét, nghiên cứu và cập nhật vào quy hoạch chung TP nếu dự án khả thi.

Đại Sở GTVT TP.HCM thông tin thêm, hiện nay một số nước trên thế giới đã xây dựng tuyến tàu điện trên cao lái tự động (AGT), phát huy hiệu quả, chi phí GPMB thấp. Theo đó, Sở GTVT TP đề nghị các sở ngành nghiên cứu, góp ý, rà soát tính khả thi của dự án. Từ đó, mới báo cáo lãnh đạo TP về phương án trên.

Đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết, Ban đã nhận được thông tin về đề xuất xây dựng tuyến tàu điện tự lái. Hiện MAUR đang nghiên cứu, xem xét và sớm có thông tin phản hồi.

Nhiều ưu điểm, song cần tính toán kĩ

PGS.TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông vận tải Việt Đức phân tích, tàu điện tự lái trên cao là một giải pháp công nghiệp, phù hợp với TP như TP.HCM - bối cảnh không có mặt bằng hoặc gặp khó khăn GPMB.

Một đoạn tàu điện tự lái sẽ đi qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Tàu điện tự lái chạy dọc kênh rạch TP.HCM sẽ giảm chi phí GPMB. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Qua nghiên cứu, tàu điện tự lái có thể chạy trên bánh lốp, ở khúc cua hẹp vẫn có thể chạy trên bán kính hẹp. Còn so tuyến đường sắt thông thường, tàu điện tự lái có thể lách qua khu dân cư đông đúc.

Theo PGS.TS Vũ Anh Tuấn, chi phí đầu tư tàu điện tự lái thấp hơn so với đường sắt thông thường. Vì vậy, đây là dự án mang lại tính khả thi về GPMB, chi phí thấp hơn. Đồng thời, tàu điện trên cao không gây ra tiếng ồn, có thể chạy trên mặt đất, hoặc chạy trên cao. Tất nhiên, khi đầu tư trên kênh rạch cũng phải làm mặt đường cho tàu điện trên cao chạy.

Hiện mô hình tàu điện trên cao mang lại hiệu quả giao thông ở các TP như Tokyo (Nhật Bản), Kuala Lumpur (Malaysia). Tuy nhiên, sức chứa, công suất vận chuyển của tàu điện tự lái đáp ứng nhu cầu vận chuyển mức độ trung bình so với các tuyến đường sắt thông thường.

Ông Tuấn tính toán chi phí GPMB các dự án hiện nay rất lớn, thời gian kéo dài. Do vậy, nếu triển khai loại hình giao thông tàu điện trên cao sẽ phát huy hiệu quả, cải thiện tình hình ùn tắc, đảm bảo tốc độ từ 60k-80 km/giờ.

Tuy nhiên, vấn đề kiến trúc cảnh quan cần phải xem xét kỹ hơn, bởi sông kênh rạch là không gian mở tự nhiên, phải tính toán rất kỹ về loại hình tàu điện tự lái trên cao, chạy qua kênh rạch, sông ở TP.HCM. Đây còn là không gian thể dục thể thao, thoát nước, chèo thuyền, vì vậy khi bố trí về hạ tầng cần tính toán thận trọng.

"Đối với vấn đề quy hoạch, áp dụng giao thông có sức chở lớn cần chú trọng triển khai. TP có thể căn cứ vào tình trạng GPMB, nhu cầu hành khách, chi phí và chọn công nghệ phù hợp đưa ra loại hình đầu tư là đường sắt đô thị thông thường hay tàu điện tự lái để phát huy hiệu quả.

Tàu điện tự lái chạy trên kênh rạch sẽ giảm chi phí GPMB, tiết kiệm rất lớn, song ảnh hưởng đến dòng kênh, thu hẹp dòng chảy, vì vậy cần phải đánh giá tác động thật kỹ" - TS Vũ Anh Tuấn lưu ý.

Ông Nguyễn Kim Toản - chuyên gia giao thông, đơn vị khai thác giao thông thủy ở TP.HCM đánh giá, việc khai thác giao thông dọc bờ kênh để tối ưu không gian vận chuyển, hạ tầng là cần thiết. Hiện ở TP Tokyo, Nhật Bản đã triển khai.

Từ đó, ông Toản cho rằng, cần có giải pháp xây dựng cảnh quan hai bên bờ kênh, chiếu sáng và công viên cây xanh để thu hút hành khách. Đồng thời, TP cũng cần tính toán tầm nhìn xa về quy mô, công suất và thời gian vận hành, tránh chưa vận hành tàu điện trên cao quá tải.

"Nhà đầu tư cần chú ý đến việc đầu tư xây dựng phải trong tâm thế sẵn sàng triển khai. Nhà đầu tư phải có vốn, có mặt bằng, đừng để khởi công vừa chờ, không phát huy hiệu quả toàn dự án, lãng phí" - ông Nguyễn Kim Toản - chuyên gia giao thông, nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, TP và nhà đầu tư cần tính đến phương án liên kết các phương thức giao thông từ thủy bộ, đường sắt và có bến tàu thuyền. Lúc này, sẽ phát triển giao thông công cộng, thu hút khách du lịch đến TP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm