Từ cuối năm 2021 đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) Đà Nẵng dần ấm lên khi dịch COVID-19 được kiểm soát, thị trường du lịch mở cửa trở lại.
Nguồn cung đất nền trung tâm TP Đà Nẵng dần cạn kiệt, giới đầu tư đang chuyển dần hướng mua đất vùng ven với các thông tin quy hoạch hạ tầng đảm bảo.
Nguy cơ “ôm bom” giá đất
Ghi nhận của PV những ngày qua, các nền đất thổ cư tại hai phường Hòa Quý, Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) có giá tăng nhẹ 10%-20% so với trước tết Nguyên đán 2022. Mỗi mét vuông đất tại đây đang neo ở mức giá 15-18 triệu đồng.
Anh Phương (quê Quảng Nam), chủ nhân nền đất rộng 101 m2 mặt tiền đường bê tông 2,5 m ở phường Hòa Quý, cho hay nền đất của anh đã tăng từ 1,4 tỉ lên 1,6 tỉ đồng chỉ trong vòng một tháng qua.
Trung bình một ngày, bộ phận một cửa huyện Hòa Vang tiếp nhận khoảng 200 hồ sơ giao dịch đất đai. Ảnh: TẤN VIỆT |
Ngược lên các xã thuộc huyện Hòa Vang, nơi giao dịch đất đai đang sôi động nhất Đà Nẵng, các nền đất nông nghiệp xen lẫn đất ở đang được săn đón đặc biệt khiến giá đất tăng cao.
Đơn cử, một nền đất 250 m2 tại thôn Phú Sơn Nam (xã Hòa Khương) với 200 m2 đất ở, còn lại là đất nông nghiệp đang được cò đất chào bán với giá 1,050 tỉ đồng. “Giờ rất khó tìm được chỗ nào giá tốt hơn. Anh mua chỗ này chắc chắn sinh lời trong thời gian ngắn” - cò đất tên H nói với chúng tôi. Khắp nơi ở xã Hòa Phước, Hòa Tiến… giá đất có vị trí tốt cũng tăng từng ngày, hiện tại khoảng 14 triệu đồng/m2.
Lý giải nguyên nhân, chị Yến (chủ một sàn giao dịch tại quận Ngũ Hành Sơn) cho hay thị trường du lịch mở cửa trở lại cùng với các thông tin tốt về quy hoạch vùng ven là tiền đề đẩy giá BĐS. “Dự án Làng đại học có chuyển biến tích cực, một số trường tại đây bắt đầu khởi công. Còn tại huyện Hòa Vang sốt dẻo nhất vẫn là thông tin TP định hướng nâng huyện này lên thành thị xã” - chị Yến nói trong khi điện thoại đổ tin nhắn liên tục của những người hỏi thăm giá đất.
Tuy nhiên, cùng với diễn biến tích cực của thị trường, tại đây bắt đầu xuất hiện trở lại những nhóm cò đất với đủ chiêu trò tạo sốt ảo như hồi năm 2018-2019.
Thủ đoạn mới nhất là việc một số nhóm người chủ ý đăng tin không chính xác về nhu cầu người dân chen chúc nộp hồ sơ, gây quá tải tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (bộ phận một cửa) huyện Hòa Vang.
Theo Sở TN&MT TP Đà Nẵng, qua khảo sát, người dân thực hiện giao dịch thật sự không quá nhiều. Thế nhưng nhóm người này đưa lên mạng xã hội hình ảnh phô trương nhu cầu, quy mô lượng người giao dịch đất đai để tạo sóng, gây sốt ảo.
“Việc thổi giá hôm sau tăng so với hôm trước nhằm đẩy giá đất lên cao qua từng ngày để trục lợi. Người dân cần thận trọng trước những chiêu trò này để tránh tiền mất tật mang, gây nhiều hệ lụy cho đời sống vùng nông thôn” - Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho hay.
Bắt đầu xuất hiện trở lại những nhóm cò đất với đủ chiêu trò tạo sốt ảo như hồi năm 2018-2019.
Ngăn chặn sốt ảo, minh bạch thị trường
Ông Trần Văn Liên, Phó Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện Hòa Vang, cho hay từ cảnh báo của chính quyền và sự chuẩn bị tốt hơn của huyện, cảnh chen chúc làm thủ tục đất đai tại bộ phận một cửa đã hạ nhiệt.
Những ngày qua, nhiều người dân đến bấm số giao dịch khi chưa chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nên các chuyên viên yêu cầu bổ sung. Cạnh đó, có tình trạng một người bấm nhiều số khiến số yêu cầu giao dịch trong một ngày tăng cao bất thường.
Hiện trung bình một ngày, bộ phận một cửa huyện Hòa Vang tiếp nhận khoảng 200 hồ sơ giao dịch. Đơn vị này đã bố trí một bàn viết hồ sơ bên ngoài và tăng cường nhân lực hướng dẫn người dân điền đầy đủ thông tin trước khi vào bấm số. Các đoàn viên thanh niên cũng được huy động để bấm số giúp người dân, tránh cảnh chen lấn và việc một người bấm nhiều số.
Bà Võ Thị Như Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng, cho hay trước thực trạng trốn thuế trong chuyển nhượng BĐS, TP vừa ban hành công văn chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện phối hợp thực hiện một số giải pháp nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh BĐS.
Công chứng viên tại các văn phòng công chứng phải hướng dẫn người yêu cầu công chứng kê khai đúng giá thực tế chuyển nhượng, mua bán, cho thuê BĐS để làm căn cứ tính thuế.
“Tuyệt đối không tạo điều kiện để các bên thực hiện các hành vi trốn thuế như “ký gửi, ký chờ”; khai giá chuyển nhượng thấp hơn giá thực tế giao dịch; hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng, mua bán để công chứng hợp đồng chuyển nhượng, mua bán khác nhằm mục đích trốn thuế” - công văn nêu.
UBND TP Đà Nẵng cũng giao Công an TP chủ động trong công tác điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, phối hợp chống thất thu thuế đối với hoạt động chuyển nhượng, kinh doanh BĐS.
“Mới đây nhất, Sở Tư pháp phát hiện một hồ sơ có dấu hiệu rất rõ về việc trốn thuế và đã chuyển cho công an điều tra. Cơ quan thuế đang kiểm tra về thuế đối với hồ sơ này” - bà Hoa thông tin.•
Sở Tư pháp TP Đà Nẵng vừa có công văn gửi các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP đề nghị quán triệt đến công chứng viên tuyên truyền cho người dân biết hành vi khai không trung thực giá chuyển nhượng BĐS có thể dẫn đến thiệt hại, rủi ro khi phát sinh tranh chấp. Đây còn là hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo mức độ sai phạm sẽ bị cơ quan thuế truy thu thuế thu nhập cá nhân, bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự.