Cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner, con rể Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak từng bàn khả năng lập một kênh liên lạc bí mật và an toàn giữa đội chuyển tiếp quyền lực ông Trump và Nga.
Hai ông Kushner và Kislyak từng bàn sử dụng các cơ sở ngoại giao Nga ở Mỹ để che đậy các cuộc bàn bạc, Washington Post dẫn thông tin từ một số quan chức Mỹ tiếp cận với các báo cáo tình báo.
Đại sứ Kislyak đã báo cáo với các cấp trên của mình ở Nga rằng ông Kushner đã đưa ra đề xuất này trong cuộc gặp ngày 1 hay ngày 2-12-2016 tại cao ốc Trump Tower, theo nội dung tình báo Mỹ thu thập được. Cuộc gặp này có mặt cả ông Michael Flynn, Cố vấn An ninh Quốc gia của ông Trump, nhưng đã bị sa thải liên quan đến gặp gỡ phía Nga.
Nhà Trắng không bình luận về thông tin này. Luật sư Robert Kelner, đại diện ông Flynn, không bình luận. Đại sứ quán Nga tại Mỹ cũng không bình luận. Nhà Trắng mãi tới tháng 3 mới công khai cuộc gặp giữa ông Kushner và Đại sứ Kislyak nhưng giảm nhẹ tính nghiêm trọng của nó.
Ông Jared Kushner (phải) và ông Michael Flynn trong cuộc họp báo ngày 13-2 tại Nhà Trắng. Ảnh: AFP
Một số người biết rõ sự việc cho biết hiện FBI đang chú ý điều tra cuộc gặp này cũng như cuộc gặp của ông Kushner với một lãnh đạo ngân hàng Nga đang bị Mỹ trừng phạt. FBI theo dõi rất chặt hoạt động liên lạc giữa các quan chức Nga và Mỹ, liên tục giám sát các cơ sở ngoại giao của Nga ở Mỹ. Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ giám sát liên lạc của các quan chức Nga ở nước ngoài.
Nhà Trắng không hay biết gì về các cuộc gặp gỡ của ông Kushner với ông Kislyak và lãnh đạo ngân hàng Nga cho đến khi truyền thông nói tới.
Các cố vấn của ông Trump cũng bí mật tương tự về các cuộc gặp với các lãnh đạo Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Tháng 12-2016, thái tử Abu Dhabi sang New York để gặp các ông Kushner, Flynn và Stephen K. Bannon, một cố vấn hàng đầu nữa của ông Trump. Chính phủ Obama chỉ biết được điều này khi các nhân viên an ninh Mỹ phát hiện tên vị thái tử này trong danh sách khách hàng không.
Washington Post hồi giữa tháng 12-2016 cũng từng đề cập việc này sau khi nhận một lá thư nặc danh có nội dung này. Theo bức thư nặc danh này, bên cạnh bàn lập kênh liên lạc, các ông Kushner, Flynn và Đại sứ Kislyak còn bàn cuộc gặp giữa một đại diện của ông Trump và “một nhân vật Nga” tại một nước thứ ba.
Washington Post hồi tháng 4 đưa tin ngày 11-1, chín ngày trước khi ông Trump nhậm chức, ông Erik Prince, cố vấn không chính thức của đội chuyển tiếp ông Trump, nhà sáng lập Công ty An ninh tư nhân Blackwater đã gặp một đại diện của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở đảo Seychelles trên Ấn Độ Dương.
Theo nhiều đương kim và cựu quan chức tình báo Mỹ, đề nghị của ông Kushner là điều quá bất thường. Việc các cố vấn cấp cao của một tổng thống mới đắc cử có liên hệ với các lãnh đạo hay quan chức nước ngoài không phải chuyện hiếm xảy ra. Tuy nhiên, các chính phủ mới của Mỹ thường thận trọng trong tương tác với Nga. Điều này đặc biệt chú ý khi cộng đồng tình báo Mỹ đã cáo buộc Nga thực hiện một chiến dịch can thiệp chưa có tiền lệ vào cuộc chạy đua tổng thống Mỹ năm ngoái giúp ông Trump thắng cử.
Bộ Ngoại giao, Hội đồng An ninh Quốc gia, các cơ quan tình báo Mỹ đều có khả năng thiết lập các kênh liên lạc an ninh với các lãnh đạo nước ngoài dù điều này với một đội chuyển tiếp quyền lực là bất thường. Tuy nhiên, các quan chức chính phủ Obama cho biết các thành viên đội chuyển tiếp quyền lực của ông Trump chưa hề tham vấn họ về việc sắp xếp kênh liên lạc an toàn với Nga.