Công an khó xử lý lừa đảo qua tài khoản ngân hàng

Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng cho biết thời gian qua liên tục tiếp nhận, xử lý nhiều tin báo về việc mạo danh các cơ quan công quyền để lừa đảo.

Đường đi zích-zắc của tiền lừa đảo

Nhóm lừa đảo thường giả danh công an, VKS hoặc tòa án để gọi điện thoại đe dọa khởi tố rồi đề nghị người nghe máy phải chuyển tiền để “chứng minh không liên quan đến tội phạm”. Đây là phương thức lừa đảo không mới nhưng vẫn có nhiều nạn nhân bị lừa.

Điển hình như chị M. (ngụ quận Hải Châu) một ngày đầu tháng 8 đến công an trình báo có nhóm người xưng là đại diện cơ quan pháp luật yêu cầu chị không được đi khỏi nơi cư trú, đợi Công an TP Hà Nội vào bắt khẩn cấp. Lý do nhóm này đưa ra là chị M. dùng tài khoản tại ngân hàng để mua bán trái phép chất ma túy.

Hôm sau, người trong nhóm lừa đảo dùng tài khoản Zalo có tên “phòng điều tra Hà Nội” với hình nền là các chiến sĩ cảnh sát đang đứng chào để liên lạc với chị M. Sau đó, người này gửi cho chị M. ảnh chụp có nội dung là quyết định của VKSND Tối cao về việc “tạm giữ tài khoản nghi can”. Người này đề nghị chị M. hợp tác điều tra bằng cách chuyển tất cả số tiền có được vào một tài khoản do bọn chúng chỉ định.

Bán tín bán nghi, chị M. lên Google gõ số điện thoại mà nhóm này gọi đến thì thấy thể hiện là số máy của Công an TP Hà Nội. Quá lo lắng, chị M. đã chuyển số tiền hơn 1,5 tỉ đồng mà gia đình tích góp hàng chục năm vào tài khoản của kẻ gian.

Nhiều nạn nhân mất số tiền từ vài trăm triệu đến tiền tỉ. Cá biệt có trường hợp chuyển 12 tỉ đồng, vừa chuyển xong thì tỉnh ngộ vội tới cơ quan công an đề nghị hỗ trợ phong tỏa tài khoản nhận tiền thì đã muộn vì tiền đó đã được chuyển sang tài khoản ngân hàng thứ ba bằng dịch vụ Internet Banking và đã rút hết.

Một số vụ được phát hiện cho thấy chủ mưu là người nước ngoài. Họ thực hiện với sự giúp sức của người trong nước và phần lớn số tiền của các nạn nhân nhanh chóng chuyển vòng như trên rồi được rút tại các trụ ATM của một ngân hàng Việt Nam nhưng đặt tại Campuchia.

Tài khoản Zalo mạo nhận Phòng điều tra Hà Nội.  (Ảnh do công an cung cấp)

Văn bản giả mạo quyết định của VKSND Tối cao mà nhóm lừa đảo gửi cho nạn nhân. (Ảnh do công an cung cấp)

Tài khoản ngân hàng “không chính chủ” gây khó điều tra 

Theo Trung tá Nguyễn Đức Thành, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm công nghệ cao, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Đà Nẵng, việc điều tra các nhóm lừa đảo và thu hồi số tiền bị chiếm đoạt gặp nhiều khó khăn. Kết quả xác minh cho thấy nhóm lừa đảo thường sử dụng phần mềm chạy trên nền tảng hệ điều hành Android hoặc Windows để tạo ra số điện thoại giả mạo cơ quan nhà nước.

Các tài khoản ngân hàng mà tội phạm sử dụng cũng đều là tài khoản thuê người khác mở hoặc mua lại từ người khác. Khi công an làm việc, người bán tài khoản không biết thông tin gì về người mua tài khoản. Ngay cả số điện thoại được dùng để đăng ký nhận tin nhắn giao dịch cũng là số SIM rác.

Nói thêm về khó khăn khi phá án, Đại tá Trần Mưu, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, cho hay do không có chế tài xử phạt nên nhiều người vô tư mua bán hoặc cho thuê tài khoản ngân hàng với giá chỉ 1-2 triệu đồng. Đến khi công an mời đến làm việc thì người bán mới vỡ lẽ đã vô tình tiếp tay cho các hoạt động phạm tội. Công an rất khó chứng minh hành vi của những người này và mất dấu tội phạm.

“Vì vậy, cần có chế tài phạt nặng hành vi mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng, qua đó sẽ hạn chế được hành vi lừa đảo qua tài khoản. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần phải quản lý chặt chẽ để ngăn chặn SIM rác” - ông nói.

Cũng theo vị phó giám đốc Công an TP Đà Nẵng, cơ quan công an không bao giờ gửi giấy triệu tập qua mạng cũng như gọi điện thoại yêu cầu người liên quan chuyển tiền để “chứng minh vô tội”. Khi nhận điện thoại từ các cuộc gọi lạ, người dân cần liên lạc ngay với cơ quan công an để xác minh. “Chúng tôi cũng đã nhiều lần khuyến cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng việc này rồi, người dân cần tìm hiểu thông tin để tránh bị lừa”.

Các độc chiêu lừa đảo khác

Qua Facebook, chị Phan Thị Thanh T. (ngụ TP Đà Nẵng) đã kết bạn với bạn trai có tên David. Sau một thời gian, David đề nghị chị T. cung cấp thông tin cá nhân để gửi cho chị một gói quà, trong đó có 500.000 USD. Hôm sau, một người lạ gọi điện thoại cho chị tự xưng là nhân viên hải quan sân bay Nội Bài, thông báo gói quà mà chị là người nhận có chứa nhiều tiền nên phải đóng tiền phạt, tiền làm giấy tờ chống rửa tiền, tiền phí… mới được nhận quà. Tin tưởng, chị T. đã chuyển 320 triệu đồng vào tài khoản mà đối tượng cung cấp và bị chiếm đoạt.

Thủ đoạn khác là từ các trang web rao bán, nhóm lừa đảo nắm bắt một số người có nhu cầu bán hàng nên đề nghị nạn nhân cung cấp số điện thoại cá nhân, số tài khoản để gửi tiền đặt cọc mua hàng. Sau đó, nhóm này gửi link trang web giả mạo có giao diện giống dịch vụ chuyển tiền quốc tế rồi nói nạn nhân nhập số điện thoại, mã OTP (mật mã tài khoản). Khi nạn nhân nhập vào thì quyền truy cập tài khoản bị chiếm đoạt và tiền bị rút. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm