Công an tấn công mạnh tội phạm mua bán người

(PLO)- Bên cạnh việc xử lý nghiêm, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền các thủ đoạn, hệ quả của việc mua bán người.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian qua, tình trạng mua bán người diễn ra phức tạp. Trong đó có vụ 42 người bị lừa bán vào các casino Campuchia đã liều mình bơi sông về Việt Nam.

Liên quan vụ việc này, Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, cho biết công an tỉnh xác định có bốn đường dây có dấu hiệu mua bán người và tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.

Casino Rich World ở Campuchia, ngay bên bờ sông Bình Di mà 42 người liều mình bơi qua để về Việt Nam. Ảnh: H.DƯƠNG

Casino Rich World ở Campuchia, ngay bên bờ sông Bình Di mà 42 người liều mình bơi qua để về Việt Nam. Ảnh: H.DƯƠNG

Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, nói về nạn lừa đảo đưa người qua Campuchia. Ảnh: HD

Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, nói về nạn lừa đảo đưa người qua Campuchia. Ảnh: HD

Xử lý nghiêm để răn đe

Theo Đại tá Đinh Văn Nơi, qua làm việc với 40 công dân, tất cả đều khai họ bị ép làm việc quá giờ, trả lương không đúng như thỏa thuận, thậm chí không được trả lương. Họ còn bị ép thực hiện hành vi phạm tội công nghệ cao như lừa đảo qua mạng, tổ chức đánh bạc qua mạng… bị đánh đập, tra tấn và ép người nhà phải đưa số tiền chuộc rất lớn.

“Đặc biệt còn có tình trạng người lao động Việt Nam bị bán từ casino này sang casino khác. Đây là dấu hiệu của tội phạm mua bán người. Chúng tôi đã làm rõ, phát hiện bốn đường dây mua bán người ở nhiều tỉnh, thành trong nước. Chúng câu móc với các đối tượng Campuchia để thực hiện hành vi mua bán người. Chúng tôi đã báo cáo Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an để phối hợp với công an các tỉnh, thành có đường dây mua bán người để tiếp nhận tin báo, xử lý dứt điểm các đường dây mua bán người” - Đại tá Đinh Văn Nơi nói.

Trên cơ sở lời khai của 40 công dân chạy trốn về, công an còn phát hiện đường dây tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép và đã khởi tố, bắt tạm giam hai người. “Chúng tôi sẽ tiến hành điều tra đến nơi đến chốn, bắt tất cả đối tượng trong các đường dây để xử lý đúng quy định, răn đe một cách quyết liệt. Không chỉ trong nước mà phía Campuchia cũng phối hợp tích cực để làm rõ việc mua bán người, cũng như hành vi ép người lao động Việt Nam làm quá giờ, không trả lương, có dấu hiệu tra tấn đối với công dân ta, đảm bảo quyền bảo hộ công dân chúng ta” - Đại tá Nơi nhấn mạnh.

Theo Đại tá Nơi, tỉnh Kandal giáp ranh với nước ta có tổng cộng tám casino nhưng một cái đã tạm dừng do COVID-19, còn lại bảy cái hoạt động rất mạnh, sử dụng rất nhiều lao động Việt Nam và các nước khác. Công an tỉnh Kandal đang phối hợp rất chặt chẽ với Công an tỉnh An Giang, hai bên thường xuyên trao đổi thông tin, tiến hành rà soát tất cả công dân không có giấy tờ hợp pháp để trao trả người cho đại sứ quán và đưa người về trong thời gian tới.

Để ngăn chặn nạn mua bán người, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho rằng phải làm tốt công tác tuyên truyền.

Những kẻ mua bán người thường lợi dụng không gian mạng dụ dỗ người dân bằng chiêu trò lợi ích, đặc biệt là người dân nông thôn có hạn chế về thông tin. Do đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vạch trần các thủ đoạn và xử lý nghiêm, cho tất cả dân chúng ta biết việc mua bán người ảnh hưởng, gây hệ lụy cho gia đình và xã hội rất lớn.

“Qua sự việc này, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, chúng ta cần có sự phối hợp chặt chẽ với các nước láng giềng nắm thông tin và thậm chí thiết lập đường dây nóng để nạn nhân đang mắc kẹt có thể thông tin về đường dây nóng để giải cứu. Không chỉ Việt Nam mà cả thế giới phải lên án hành vi mua bán người này. Chúng ta phải kiên quyết xử lý nghiêm, triệt để loại tội phạm này” - Đại tá Nơi nói.

Khi phát hiện thông tin việc đưa người sang Campuchia làm việc có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo cho người thân, gia đình và công an để xử lý.

Thủ đoạn mua bán người

Bộ Công an cho rằng có năm nhóm thủ đoạn mà các đối tượng mua bán người thường sử dụng để dụ dỗ và thực hiện hành vi phạm tội.

Theo Bộ Công an, nạn nhân của tội phạm mua bán người ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, người dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gặp những chuyện éo le về tình cảm, thiếu hiểu biết xã hội, nhẹ dạ cả tin, một số cô gái trẻ thích hưởng thụ, ăn chơi, đua đòi.

Các nhóm tội phạm thông qua Zalo, Facebook… làm quen, giả vờ yêu đương, môi giới hôn nhân nước ngoài; dụ dỗ bán thận, thương lượng mua với giá rẻ rồi bán cho những người bệnh với giá cao.

Hai là tiếp cận, rủ rê, lôi kéo đi du lịch, làm thuê thu nhập cao... rồi đưa về các TP bán cho nhà hàng, quán karaoke hoặc để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động.

Ba là tổ chức đưa người ra nước ngoài lao động trái phép, khi ra nước ngoài sẽ thu giữ giấy tờ tùy thân, bán để cưỡng bức lao động, quỵt tiền lương, dùng bạo lực khống chế đòi tiền chuộc.

Thứ tư là tán tỉnh nạn nhân qua mạng, giả vờ yêu đương hoặc những người có nhu cầu tìm việc làm ở nước ngoài với mức lương cao, sau đó đưa sang Trung Quốc, Lào, Campuchia rồi ép bán làm vợ, vào các ổ mại dâm, các sòng bài.

Năm là lập các trang mạng trên Facebook, Zalo để tìm kiếm người mang thai, sinh con ngoài ý muốn... sau đó dụ dỗ đưa họ sang nước ngoài sinh con để bán; hoặc tìm kiếm những người bị bệnh phải ghép tạng, môi giới cho những người muốn bán tạng để thực hiện việc mua bán mô, bộ phận cơ thể.

Cao điểm trấn áp tội phạm

Bộ Công an cũng đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các mặt công tác đấu tranh phòng chống mua bán người.

Lực lượng chủ động nắm tình hình ngoại biên, tại cơ sở và trên không gian mạng; xác định tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp và phát hiện các đường dây, băng nhóm phạm tội mua bán người để tập trung đấu tranh ngăn chặn.

Ngành công an cũng ứng dụng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu CCCD và phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng công an xã, thị trấn chính quy để chủ động phòng ngừa, phát hiện tội phạm mua bán người. Phối hợp với bộ đội biên phòng tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới và triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, ngăn chặn…

Bộ Công an còn tích cực triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về phòng chống mua bán người.

Tiếp tục triển khai cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc.

Cần làm gì nếu không may là nạn nhân?

Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cảnh báo và đề nghị người dân cần cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi qua Campuchia làm việc nhẹ, lương cao, không mất chi phí đi lại... của các đối tượng trên mạng xã hội.

Người dân cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm nơi mình định đến làm việc, đặc điểm, thông tin nhân thân của người giới thiệu và cùng mình đi làm việc, nên tham khảo ý kiến của mọi người và cung cấp thông tin cho gia đình, người thân về địa điểm nơi làm việc và công việc của mình, thông tin về người cùng đi trước khi quyết định xuất cảnh.

Khi phát hiện thông tin về đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia làm việc, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, người dân cần thông báo cho người thân, gia đình và kịp thời trình báo cho cơ quan công an để cơ quan chức năng kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý.

Nạn nhân cũng có thể gọi điện thoại trực tiếp đến tổng đài quốc gia 111 để được tư vấn, hỗ trợ.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm