Đến sáng 15-4 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer cho biết Mỹ trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 2.407 người tử vong vì COVID-19, đưa tổng số ca tử vong lên 26.047. Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ hiện là 613.886 người, tăng 26.945 ca. Cường quốc này tiếp tục là quốc gia có số ca mắc bệnh và tử vong do đại dịch COVID-19 cao nhất thế giới.
Quân y Mỹ hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế Javis thuộc TP New York ngày 13-4. Ảnh: AFP
New York tiếp tục diễn biến lạc quan, lãnh đạo Mỹ căng thẳng thời điểm mở cửa lại kinh tế
Đến nay, bang New York vẫn là khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất do dịch bệnh COVID-19 với 10.834 ca tử vong, tăng 788 người trong 24 giờ qua. Số ca nhiễm mới cũng tăng 7.468, lên 203.123 bệnh nhân.
Theo sau bang New York về tình hình dịch là bang lân cận New Jersey với 68.824 người nhiễm, trong đó 2.805 ca tử vong. Giữa hai bang này có mức cách biệt rất xa về số ca nhiễm, hơn 134.000 người.
Các bang có tình hình dịch nghiêm trọng tiếp theo lần lượt là Massachusett (28.163 ca nhiễm, trong đó 957 người tử vong), Michigan (27.001 ca nhiễm, trong đó 1.768 người tử vong) và California (25.536 ca nhiễm, trong đó 782 người tử vong). Những bang này đều ghi nhận mức tăng ca nhiễm mới trên 1.000 người trong 24 giờ qua.
Người đứng đầu bang New York cũng cho biết sẽ từ chối bất kỳ mệnh lệnh nào của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc mở cửa trở lại nền kinh tế.
“Nếu ông ấy (Tổng thống Trump - PV) yêu cầu tôi mở cửa kinh tế trở lại theo cách gây rủi ro đến sức khỏe của người dân trong bang, tôi sẽ không thực hiện nó”, Thống đốc Andrew Cuomo nhấn mạnh.
Đầu tuần này Tổng thống Trump khẳng định ông có đủ thẩm quyền để gây áp lực buộc các thống đốc các bang phải nới lỏng các lệnh hạn chế, phong tỏa và mở cửa lại kinh tế, một khi ông quyết định.
Theo hãng tin Reuters, quan hệ giữa ông Trump và chính quyền các bang trở nên căng thẳng gần đây khi ít nhất 10 bang, chiếm tới gần 40% GDP của Mỹ, đã phối hợp để tự thảo luận kế hoạch nối lại hoạt động kinh tế khi nào và thế nào, không muốn chính quyền liên bang xen vào.
9/10 bang này (trừ Massachusetts) đều do các thống đốc thuộc đảng Dân chủ lãnh đạo. Một số lãnh đạo thuộc phe Cộng hòa, trong đó có thống đốc các bang Ohio, Maryland và New Hampshire, cũng khẳng định các bang nên có quyền tự quyết định nối lại hoạt động kinh tế khi nào và như thế nào.
Quan điểm trái chiều về thời điểm mở cửa kinh tế Mỹ
Hiện theo kế hoạch mới nhất do chính quyền Tổng thống Trump soạn thảo, nền kinh tế Mỹ có thể sẽ bắt đầu mở cửa lại từ ngày 1-5. Tuy nhiên, các chuyên gia và chính quyền các bang cho rằng việc này cần có đánh giá thận trọng và phải được tiến hành một cách từ từ bởi việc nối lại đột ngột có thể khiến dịch bùng phát mạnh trở lại.
Bình luận về vấn đề trên, Giám đốc Viện Các bệnh dị ứng và truyền nhiễm quốc gia Mỹ - TS Anthony Fauci cho rằng mục tiêu nối lại hoạt động kinh tế vào ngày 1-5 tới là "lạc quan quá mức".
Theo chuyên gia này, điều kiện tiên quyết để nối lại hoạt động kinh tế là giới chức y tế phải có khả năng xét nghiệm COVID-19 nhanh, phát hiện kịp thời và cách ly các ca nhiễm mới.
"Chúng ta vẫn chưa ở ngưỡng đó", ông Fauci nhấn mạnh.
Trong khi đó, đài CNN dẫn nghiên cứu của ĐH Harvard (Mỹ) cho rằng Mỹ có thể phải duy trì các biện pháp giãn cách xã hội, như khuyến cáo người dân ở trong nhà, đóng cửa trường học đến năm 2022 nếu giới khoa học không sớm tìm ra vaccine ngừa COVID-19.
Mỹ phê duyệt phương pháp xét nghiệm COVID-19 bằng nước bọt
Cũng trong ngày 14-4 (giờ địa phương), Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép tiến hành xét nghiệm nước bọt để chẩn đoán mắc bệnh COVID-19 đối với các trường hợp khẩn cấp, theo tờ The Washington Times.
ĐH Rutgers thuộc bang New Jersey là cơ sở được nhận ủy quyền của FDA để thực hiện xét nghiệm bên cạnh một số nhóm nghiên cứu khác.
Dù vậy, FDA cũng cảnh báo rằng các bệnh nhân nhận được kết quả âm tính từ xét nghiệm này vẫn sẽ phải được xác nhận bằng kết quả của một phương pháp xét nghiệm khác.
Việc sử dụng nước bọt để chẩn đoán nhiễm virus gây dịch COVID-19 có thể nâng cao khả năng xét nghiệm trên toàn nước Mỹ. Cho tới nay, việc tiến hành xét nghiệm được thực hiện thông qua lấy gạc mũi hoặc hầu họng.
Theo cách làm này, nhân viên y tế phải tiến hành lấy mẫu và thay khẩu trang và găng tay ngay sau khi kết thúc thao tác. Điều này làm hao hụt trang thiết bị y tế, mất nhiều thời quan và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế.